Quan điểm trên được nêu tại buổi góp ý dự thảo sửa đổi Bộ Luật Lao động vào chiều 16/9.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản đã bày tỏ lo lắng trước đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ mỗi tuần xuống 44 giờ mới được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất. Hiện nay, quy định chung là không quá 48 giờ mỗi tuần.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày và Túi xách Việt Nam, cho biết, ngành da giày đang sử dụng 1,5 triệu lao động và việc tuyển dụng lao động đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giảm giờ làm việc, doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm lao động hoặc đầu tư vào máy móc, làm tăng thêm chi phí.

Nếu áp dụng giờ làm việc 44 giờ/tuần, doanh nghiệp da giày sẽ phải tuyển dụng thêm 10% lao động, trong khi đó lao động ngành này đang thiếu hụt. Các nhà máy da giày đang phải sử dụng cả lao động 50 tuổi do không thể tuyển thêm được.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da – Giày và Túi xách Việt Nam.

Theo bà Xuân, việc giảm thời gian làm việc sẽ giúp cho lao động được nghỉ ngơi thêm. Nhưng trên thực tế là lao động phổ thông có thể không ở nhà nghỉ ngơi mà sẽ đi nhậu nhẹt hoặc làm thêm như đi giúp việc, chạy xe Grab. Trong khi nguồn thu nhập chính sẽ giảm do giảm giờ làm.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết, qua tham khảo pháp luật của các nước có thể thấy quy định thời giờ làm việc trong khoảng 40-44 giờ mỗi tuần đa phần đều thuộc về các quốc gia phát triển. Còn tiêu chuẩn về thời giờ làm việc trong tuần của các quốc gia đang phát triển và đang cạnh tranh lao động gay gắt với Việt Nam như Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Malaysia, Philippines, Lào… đều là 48 giờ mỗi tuần.

Kết quả nghiên cứu về thời gian làm việc của 18 quốc gia gồm các nước tại ASEAN và một số nước thuộc khu vực châu Á có điều kiện tương tự Việt Nam cho thấy, có 6 nước quy định dưới 48 giờ/tuần, một nước trên 48 giờ là Hàn Quốc (52 giờ), 11 nước có thời giờ làm việc là 48 giờ mỗi tuần.

Bà Lan Anh cho rằng, với quy định thời gian làm việc tiêu chuẩn 48 giờ như hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. Do vậy, nếu thời gian làm việc bị cắt giảm thì chắc chắn các doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó tuyển lao động, trong khi tiền lương từ 2011 đến nay đã tăng gấp 3 lần. Việt Nam không còn lợi thế nhân công giá rẻ, chỉ còn lợi thế về nhân công chăm chỉ, cần cù, có tay nghề… Nếu rút thời gian làm việc chỉ còn 44 giờ mỗi tuần, các đơn hàng có thể chuyển sang các nước khác.

“Người Nhật làm việc đến 67 tuổi mới nghỉ hưu, chúng ta làm việc năng suất lao động thấp hơn họ mà nghỉ sớm. Chúng ta cần theo quan điểm vì đất nước, khi tăng GDP, thu nhập tốt hơn thì mới nghỉ nhiều hơn”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, nói.

Ông Dương cũng cho rằng, các nước xung quanh cho phép người lao động làm thêm đến 600 giờ mỗi năm, như Nhật Bản đến 700 giờ, Malaysia không khống chế, còn Việt Nam khống chế không quá 300 giờ. Khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài thấy rằng họ thấy vi phạm giờ làm việc ở Việt Nam thì sẽ mang hàng đi nước khác sản xuất thay vì sản xuất ở nước ta.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với một đất nước đang phát triển dựa vào nhiều ngành công nghiệp như Việt Nam phải giữ được sức cạnh tranh về lao động, duy trì thời gian làm việc của người lao động như quy định hiện nay, chưa phải là lúc để giảm thời gian làm việc. So với 15 đối thủ cạnh tranh trong khu vực về đẩy mạnh xuất khẩu, phần lớn các nước đang phải duy trì thời gian làm việc 48 giờ mỗi tuần.

Tại cuộc họp, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quan điểm của ông là không giảm thời gian làm việc dưới 48 giờ mỗi tuần vì năng suất lao động nước ta còn thấp. Ngoài ra, ông còn đề nghị một số ngành nghề đặc thù như dệt may da giày được tăng thời gian làm thêm để đảm bảo cho các đơn hàng kịp xuất khẩu. Nhiều người lao động đã cho biết, nếu giảm thời gian làm việc xuống thì thu nhập của họ sẽ thấp.

Trước ý kiến của doanh nghiệp, Bộ trưởng Lao động, Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ lựa chọn nội dung hợp lý nhất để đưa vào Bộ Luật Lao động sửa đổi, có thể không đưa đề xuất giảm giờ làm việc vào dự thảo.

Ngày 9/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị xem xét tăng thêm một ngày nghỉ dịp tết dương lịch và giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần tại dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Theo thăm dò của Tổng Liên đoàn Lao động, có trên 80% ý kiến chọn phương án giờ làm việc không quá 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần).

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe. Hiện nay, quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ/tuần, số giờ làm việc của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

Theo VNE