Nghịch lý nhưng hợp lý?!

Có một thực tế mà các công nhân Việt Nam đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay thường ví von về việc tăng ca là “nửa buồn, nửa vui”. Mà thực sự là vậy khi thời gian mà họ dành cho công việc trong nhà máy, xí nghiệp luôn luôn lớn hơn “định mức” 8 giờ. Họ vui vì tăng ca thì có thêm thu nhập, còn buồn cũng bởi phải tăng ca, trong khi thời gian đó đáng lẽ họ được nghỉ ngơi để phục hồi sức lực, tái sản xuất! Mà nói như giới trẻ thì họ đang “dành cả thanh xuân trên dây chuyền”!

Nhiều công nhân trẻ đã dành thời gian trên dây chuyền bởi lương cơ bản không đủ sống. Ảnh minh họa.

Theo Viện Công nhân – Công đoàn, người lao động phải tăng ca để có thêm tiền, thêm được một bữa ăn ca, thậm chí là để tránh cái nắng nóng trong những căn phòng trọ chật chội…

Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, so với điều kiện sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM,… thì mức lương hiện nay của công nhân chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của người lao động. Nhiều DN khi thực hiện việc điều chỉnh lương, đã cắt các khoản phụ cấp, trong khi các khoản phụ cấp này (chuyên cần, nhà trọ, xăng, tiền ăn…) chiếm từ 1/4-1/3 tổng thu nhập nên lương của người lao động có tăng nhưng chỉ tăng lương cơ bản (dùng làm cơ sở đóng BHXH) còn tổng thu nhập thì vẫn vậy. Cũng chính vì mức lương tối thiểu không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu nên có một nghịch lý hầu hết công nhân đều thích … tăng ca dù đã rất mệt mỏi sau những giờ làm chính để có thêm thu nhập trang trải cho sinh hoạt và tích lũy.

Một công nhân tại khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) chia sẻ: Lương cơ bản là 3,2 triệu đồng, cộng các khoản phụ cấp thì được gần 4 triệu, nhưng tiền gửi con đã hết 1 triệu, còn tiền nhà, tiền ăn và xăng xe… Nếu không tăng ca thì chắc chắn không đủ chi tiêu, đó là chưa kể có công việc đột xuất phải nghỉ sẽ bị trừ tiền chuyên cần cả tháng. Bởi vậy tăng ca là giải pháp được hầu hết công nhân ở đây lựa chọn, mặc dù đi làm cả ngày không được nhìn con, còn cơ thể thì rã rời.

Đó là một nghịch lý. Nghịch lý so với khẩu hiệu “8 giờ làm việc” được giương cao 132 năm về trước. Ở chiều ngược lại, giới chủ nếu để cho công nhân tăng ca quá thời gian quy định thì vi phạm pháp luật lao động, nhưng nếu không cho tăng ca thì người lao động sẵn sàng “nhảy” việc vì không đủ chi tiêu.

Cạnh tranh với 4.0

Cách mạng 4.0 đặt ra nhiệm vụ là “nâng cao trình độ tay nghề kỹ thuật”. Theo ước tính của Đại học Oxford, thì có tới 47% công việc hôm nay sẽ có tỷ lệ tự động hóa 75% trong 20 năm tới. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng trong vòng 20 năm tới, nếu không có một chiến lược mạnh mẽ và bài bản trong việc đào tạo thế hệ công nhân tiếp theo, rất có thể một lượng lớn lao động không có “trình độ cao” sẽ không có việc làm. Trong khi đó ngay lúc này, ở Đức, chính phủ nước này sẽ đổ ra khoảng 40 tỷ euro mỗi năm cho Cách mạng 4.0, tới 2020. Mục tiêu của các quốc gia giàu có là: Tự động hóa sản xuất, để cạnh tranh với chính lực lượng lao động giá rẻ từ những công xưởng thế giới như Việt Nam.

Ngành dệt, may cũng như nhiều ngành nghề sử dụng nhiều công nhân đang chịu áp lực rất lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Người lao động hiện thời đang làm việc trong các khu công nghiệp hầu hết đều rất mơ hồ với khái niệm cách mạng 4.0. Đa phần họ vẫn nghĩ máy móc sẽ chưa thay thế được con người. Nhưng trên thực tế, các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân công, người lao động đã bắt đầu phải cạnh tranh với công nghệ. Và với các chính sách hiện mới chỉ nằm ở dạng “bản thảo lần thứ nhất”, lựa chọn của những lao động “trình độ thấp” đơn giản là làm thật nhanh, tăng ca và tăng ca.

Dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động hằng năm, những băng rôn, khẩu hiệu bắt mắt hướng về người lao động được treo ở hầu khắp các con phố, nhưng lời giải cho “nghịch lý hợp lý” tăng ca vẫn ám ảnh những công nhân ở các khu công nghiệp.

Câu khẩu hiệu “8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi” vẫn được nhắc đến đâu đó trong các hội thảo về người lao động, nhưng thực tế vẫn luôn tồn tại thời gian làm việc nhiều hơn thế.

Duy Khánh