ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h31 29/06/2018

“Ám ảnh bóng ma” chu kỳ khủng hoảng 10 năm một lần

(KDPT) – Tính chu kỳ 10 năm của khủng hoảng tại Việt Nam đã được chứng minh qua 4 lần bất ổn kinh tế trong 40 năm trở lại đây với điểm rơi vào các năm 1979 – 1989 – 1999 và 2009. Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguy cơ xảy ra chu kỳ khủng hoảng 10 năm, song các chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, không thể chủ quan, cần hết sức cảnh giác trước những biến động bất thường của kinh tế thế giới.

Lạc quan nhưng không được chủ quan

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nguy cơ khủng hoảng kinh tế chưa hiện hữu ở cả nền kinh tế thế giới cũng như kinh tế Việt Nam. Theo ông Lực, hiện tại, nền tảng vĩ mô của cả kinh tế thế giới lẫn Việt Nam đều đang tốt. Hơn nữa, cả thế giới và Việt Nam đều đã có rất nhiều kinh nghiệm để chống chọi với các cú sốc kinh tế, bao gồm cả cú sốc về bất động sản, về thị trường chứng khoán, thị trường tài chính nói chung.

“Những công cụ phòng ngừa, nhằm tạo ra bước đệm để phòng chống rủi ro, cả kinh tế thế giới và Việt Nam đều có nền tảng vững chắc hơn. Thể hiện rõ nhất ở Việt Nam là dự trữ ngoại hối rất tốt, thị trường và các chủ thể tham gia thị trường được lành mạnh hóa theo hướng tái cơ cấu, doanh nghiệp cũng đang khỏe hơn, lành mạnh hơn và chưa hề có dấu hiệu bong bóng bất động sản, bong bóng chứng khoán”, ông Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cũng cho rằng kinh tế cả thế giới và Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi vững chắc, khả năng khủng hoảng khó xảy ra, ít nhất trong 1-2 năm tới, kể cả trong trường hợp có xảy ra chiến tranh thương mại.

“Nguy cơ khủng hoảng ít xảy ra, vì nền kinh tế đang được điều hành rất tốt thông qua các đợt điều chỉnh ngân hàng, thị trường chứng khoán”, ông Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển nói.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) cũng đã nhắc tới “mối lo khủng hoảng” khi cho rằng, các nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước vẫn “có vấn đề”.

“Chúng ta có ổn định vĩ mô, nhưng cứ 10 năm lại có một đợt trục trặc về vĩ mô. Nhìn lại các năm 1979, 1989, 1999 và gần nhất năm 2009 là minh chứng”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói và nhấn mạnh việc nền kinh tế Việt Nam đang mở cửa rất nhanh, nhưng khả năng hưởng lợi và tận dụng cơ hội thấp. Trong khi đó, sự kết nối giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa tốt, dẫn tới các nền tảng tăng trưởng chưa bền vững.

Cũng nhắc tới các thời điểm tương tự đồng nghiệp của mình tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright nói tới, TS. Huỳnh Thế Du, cho rằng, sự lạc quan và kỳ vọng thái quá của các nhà đầu tư khi thấy kinh tế đang tốt lên có thể khiến thị trường tài sản nóng lên, nguy cơ bong bóng xảy ra và khi bong bóng vỡ, kinh tế lâm vào khủng hoảng.

“Câu chuyện cảnh giác”

Kinh tế Việt Nam trong thời gian qua liên tục được nhìn nhận hồi phục, đạt kết quả tốt. Thậm chí, quý I/2018 GDP đạt mức 7,83%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Các tổ chức nước ngoài cũng liên tục đưa ra những nhận định lạc quan về triển vọng kinh tế lạc quan của Việt Nam. Tuy nhiên, “bóng ma khủng hoảng” đang được e ngại quay trở lại, đặc biệt khi năm 2018 là điểm rơi của chu kỳ 10 năm.

“Chúng tôi đang lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ trong một hội thảo với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học. Vì lẽ đó, ông Huệ đưa ra rất nhiều đặt hàng cho các chuyên gia kinh tế cũng như các cơ quan chức năng liên quan.

Những e ngại này, theo TS. Huỳnh Thế Du được hình thành dựa trên tính chất chu kỳ 10 năm, như đã chứng kiến trong suốt 40 năm qua cũng như bối cảnh kinh tế Việt Nam thời điểm hiện tại, là đang rất tốt.

Tuy nhiên theo ông Du, sự thái quá trong kỳ vọng, lạc quan của người dân, doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt trong các giai đoạn trục trặc kinh tế trước đây.

Theo T.S Huỳnh Thế Du, tâm lý lạc quan thái quá của người dân và doanh nghiệp là yếu tố xuyên suốt trong 3 chu kỳ khủng hoảng kinh tế trước đây.

Tâm lý này nảy sinh khi nền kinh tế tăng trưởng tốt khiến thị trường tài sản tự động nóng lên, khi người dân, doanh nghiệp chuyển kỳ vọng sang đầu cơ đất, chứng khoán khiến nhu cầu tín dụng, tiền tệ tăng cao.

Do đó, nếu chính sách điều tiết vĩ mô không khéo léo sẽ khiến vòng xoáy bùng nổ: người đổ xô đi mua – giá tăng cao – giá tăng cao nên người đổ đi mua. Lúc này, chỉ một tác động nhỏ cũng khiến cho bong bóng bị vỡ, và kinh tế lâm vào khủng hoảng, như những gì từng diễn ra.

“Việc cần làm là phải tránh bằng được những kỳ vọng đó”, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh. Ông cho rằng dưới góc độ kinh tế vĩ mô, Nhà nước cần phải chú ý đến việc kiểm soát cung tiền và tín dụng, không để dòng tiền đổ ồ ạt vào BĐS – vốn là hoạt động không tạo ra giá trị cho nền kinh tế.

So với mặt bằng 10 năm trước thì nền tảng của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều; chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện tích cực, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả tốt nhờ ở kinh tế thực, nhờ ở năng suất lao động tăng lên, nhờ ở vốn đầu tư tư nhân gia tăng mạnh mẽ… chứ không phải dựa vào vốn như trước, và tăng trưởng cao nhờ ở công nghiệp chế tạo không còn phụ thuộc vào khai khoáng, vào khai thác dầu thô.

Điều này được thể hiện qua việc khủng hoảng năm 2009 – tức 10 năm sau khủng hoảng tài chính 1997 – 1998, dù kinh tế bị thiệt hại nhưng sức phục hồi rất nhanh.

Nếu có thể vượt qua được “dớp” này thì sẽ là cú huých rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam trong những năm tiếp tới.

Phương Thúy



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/01/2025