Mới đây, các chuyên gia từ Anh Quốc và Nhật Bản đã sử dụng công nghệ in 3D để tạo ra một “set đồ” cho phép chúng ta thở được dưới nước như trên cạn, có tên gọi là Amphibio.

Theo Jun Kamei – nhà khoa học vật liệu và cũng là người sáng tạo nên bộ vây cá nhân tạo này, ý tưởng về nó bắt nguồn từ viễn cảnh tương lai, Trái đất có thể ngập trong nước, và chiếc áo này sẽ là cứu cánh cho con người.

“Một viễn cảnh thôi thúc chúng ta sống giống loài lưỡng cư hơn và tôi bắt đầu thiết kế Amphibio có thể đeo được,” – Kamei chia sẻ.

Amphibio có thể giúp con người thở dưới nước

Theo dự đoán của các nhà khí hậu học, nhiệt độ trên toàn thế giới sẽ tăng thêm 3,2 độ C vào năm 2100. Điều này sẽ là một mối đe dọa rất lớn đối với những cư dân sinh sống tại những thành phố, đồng bằng ven biển và có khả năng ảnh hưởng tới 2 tỷ người – tương đương 26% dân số thế giới ở thời điểm hiện tại.

Ý tưởng cho Amphibio xuất phát từ loài nhện nước và các loài côn trùng có lớp da siêu kỵ nước, cho phép chúng thu và giữ bóng khí trên bề mặt da. Bộ đồ này được tạo bằng công nghệ in 3D, có chất liệu polyme với cấu tạo hai phần bao gồm mang và mặt nạ hô hấp có vai trò như mang cá nhân tạo. Tác dụng của nó là giúp người dùng thở được dưới nước.

Kamei đã xây dựng thành công nguyên mẫu đầu tiên của Amphibio, nó có thể trích xuất oxy từ nước và thải ra carbon dioxide trở lại – điều này chứng minh tiềm năng của bộ đồ đặc biệt này. Các lỗ rỗng vi mô trong vật liệu cho phép không khí đi qua, nhưng ngăn chặn bất kỳ nước xâm nhập vào nó.

Đáng tiếc, do nhu cầu tiêu thụ oxy lớn, lượng oxy mà Amphibio tiết ra không đủ để duy trì quá trình hô hấp của con người. Để chúng ta có thể thở được dưới nước lâu hơn, Kamei cần tạo ra một chiếc mang có bề mặt ít nhất là 32 mét vuông.

ách thức hoạt động của bộ đồ mang cá Amphibio

Ứng dụng của bộ đồ này có thể sử dụng trong những trường hợp giải cứu cần thở dưới nước – như vụ việc đội bóng thiếu niên của Thái Lan bị mắc kẹt trong hang chẳng hạn. Công đoạn đưa 12 cậu bé ra ngoài đã mất rất nhiều tuần vì vận chuyển các thiết bị lặn cồng kềnh trong lối đi hẹp và đường hầm quanh co là rất phức tạp, nếu bộ mang cá nhân tạo này được phát triển thành công thì khoảng thời gian trên sẽ được rút ngắn đáng kể và không có thiệt hại về sức khỏe hay về con người.

Công nghệ này mới chỉ dừng lại ở sản phẩm nguyên mẫu chứ chưa được thử nghiệm với con người. Tuy nhiên, chúng ta vẫn hy vọng một ngày không xa, với sự tiến bộ vượt bậc của khoa học, chúng ta sẽ sử dụng chiếc mang nhân tạo này như một công cụ để khám phá thế giới dưới sâu đại dương huyền bí.

Phó Hằng