Trăm mối tơ vò

Như con thuyền giữa biển khơi, tâm bão có thể ở xa nhưng mưa, gió và sóng sẽ lan đến chúng ta. Những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam.

Trong báo cáo đánh giá tác động, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể khiến tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và thậm chí còn giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021-2023. Tốc độ tăng nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %.

Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2018 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ ra những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải trong cuộc đối đầu của hai siêu cường thế giới. Ông Trần Tuấn Anh cho rằng việc Mỹ đánh thuế với hàng Trung Quốc sẽ dẫn tới nguy cơ các sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập thị trường nội địa Việt Nam.

Những container hàng hóa ở một cảng biển của Trung Quốc.

Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt cho rằng: “Thép Trung Quốc sẽ lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất của Việt Nam để tràn vào. Trong trường hợp không xuất khẩu được, lượng thép này sẽ được đưa ra tiêu thụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép trong nước” – ông Thái lo lắng.

Tương tự, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó, rau quả Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước láng giềng và chủ yếu là Việt Nam. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả TQ sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày và đồ gỗ trong nước cũng đang “lên cơn sốt hầm hập” khi lo lắng nếu hàng Trung Quốc tràn vào do thị trường chính là Mỹ đánh thuế quá cao. Các mặt hàng của Trung Quốc có ưu thế giá rẻ, đa dạng mặt hàng nên các sản phẩm quần áo, giày dép hay đồ gỗ nội thất Việt Nam khó cạnh tranh lại.

Mặt hàng ngoại nhập “nhanh chân” tràn vào Việt Nam do tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là thịt. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, cho biết thịt Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2018. Một trong những nguyên nhân là Trung Quốc ra quyết định áp mức thuế bổ sung 25% đối với mặt hàng thịt heo nhập từ Mỹ khiến thịt heo Mỹ “chảy” sang nhiều nước khác, trong đó Việt Nam là điểm đến lý tưởng.

“Không chỉ thịt heo, nhiều sản phẩm ngành chăn nuôi như thịt gà, trứng… trong nước cũng sẽ bị chèn ép rất lớn trên sân nhà trước sản phẩm ngoại nhập giá rẻ” – ông Ngọc nói.

Nguy cơ trở thành “điểm trung chuyển”

Cuối năm 2017, để bảo vệ hàng hóa và thị trường, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố áp dụng mức thuế trừng phạt 265% đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Trao đổi trên Plo.vn, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, dự báo khi thị trường Mỹ gặp khó khăn, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam với số lượng lớn. Đáng lo là các sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ hơn thép Việt Nam sẽ tràn ngập thị trường do họ có nguồn nguyên liệu, trong khi ngành thép Việt còn phải nhập nguyên liệu thép của nước này.

Tương tự, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng khi xuất khẩu sang Mỹ gặp khó, rau quả Trung Quốc sẽ tìm cách xuất khẩu sang các nước láng giềng và chủ yếu là Việt Nam. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, mẫu mã bắt mắt, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam. Thậm chí trái cây từ Mỹ cũng sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn sau khi bị thị trường Trung Quốc đánh thuế cao.

Việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam sẽ làm lũng đoạn thị trường do nguồn cung dồi dào và giá rẻ mới chỉ là một vấn đề. Đáng ngại hơn, Việt Nam có thể trở thành bãi đáp, nơi trung chuyển của hàng Trung Quốc mượn xuất xứ để xuất sang Mỹ nhằm tránh bị đánh thuế ở mức cao. Các ngành hàng gặp khó khăn đầu tiên là nông sản, thép, kim loại, điện tử, dệt may…

Nếu vào được Việt Nam, hàng Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở việc cạnh tranh với hàng Việt, mà sẽ tìm cách “núp danh” thương hiệu “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ.

Các ngành hàng dễ bị tổn thương khi hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam là nông sản, thép, kim loại, điện tử, dệt may. Ảnh minh họa.

Bày tỏ nỗi lo ngại với báo Tuổi trẻ về nguy cơ hàng chục nghìn doanh nghiệp sẽ tạm ngừng sản xuất, người lao động mất việc khi hàng Trung Quốc phá giá vào Việt Nam, ông Đỗ Phương An, Giám đốc Công ty Sản xuất thương mại kết cấu thép Hà Dương (Hà Nội) cho rằng các doanh nghiệp sản xuất trong nước nhỏ bé, không thể chống chọi, cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Ông An dẫn chứng, có thời điểm giá thép Trung Quốc nhập về chỉ bằng 60-70% so với giá xuất kho của doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Ngành gỗ cũng có mối lo tương tự, ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng nếu Mỹ đưa mặt hàng gỗ của Trung Quốc vào danh sách thì sẽ có nguy cơ Trung Quốc chuyển hàng hóa sang Việt Nam. Bởi hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam, trong khi Việt Nam đang xuất khẩu đồ gỗ rất mạnh sang Mỹ.

Trên thực tế, có tình trạng hàng Trung Quốc đã lợi dụng chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam với một số đối tác thương mại để chuyển hàng Trung Quốc sang nước ta rồi xuất đi.

Một trong những ngành hàng của Việt Nam có nguy cơ trở thành nạn nhân của việc “đội lốt” xuất xứ đó là ngành may mặc. Thực tế hiện nay, quần áo, giày dép hay túi xách Trung Quốc đang đi vào Việt Nam bằng nhiều con đường, rất nhiều trong số đó là hàng nhập lậu, hàng qua đường tiểu ngạch… Nếu chúng ta để cho hàng Trung Quốc tuồn vào, sau đó gắn mác “Made in Viet Nam” rồi xuất sang Mỹ và bị phát hiện sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín của ngành công nghiệp xuất khẩu tới 31 tỷ USD trong năm 2017, trong đó thị trường Mỹ chiếm tới 12,5 tỷ USD.

Thậm chí vì cái lợi trước mắt, không tránh khỏi việc doanh nghiệp Việt sử dụng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất qua Mỹ. Nếu phát hiện, chắc chắn Mỹ sẽ áp thuế hoặc nghiêm trọng hơn là cấm nhập.

Trước những nguy cơ nêu trên, cần có ngay biện pháp ứng phó với chính sách tạm nhập tái xuất, tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt xuất sang Mỹ. Cụ thể, cần có chính sách riêng cho từng mặt hàng, lĩnh vực có nguy cơ cao bị đội lốt xuất xứ để kịp thời quản lý, kiểm tra, ngăn chặn.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã có chính sách tự vệ với thép. Tuy nhiên còn rất nhiều mặt hàng có nguy cơ như dệt may, da giày, đồ gỗ… Các sản phẩm này hoàn toàn có nguy cơ tràn từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ông yêu cầu các đơn vị chức năng cần nghiên cứu biện pháp cụ thể một cách nhanh chóng.

Với cơ chế của phòng vệ thương mại hiện nay, nguy cơ hàng Trung Quốc tràn ngập vào thị trường nội địa Việt Nam là rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần chú trọng đến chính sách tạm nhập tái xuất, nhất là trong thời điểm xung đột thương mại tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam và các nước láng giềng. Mặt khác, cần xem lại luật cạnh tranh, quản lý ngoại thương, cam kết thương mại để có biện pháp tự vệ.

Còn nữa…

Duy Khánh