ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 08h39 21/06/2019

Báo chí với lòng tự tôn dân tộc

(KDPT) – Thế là đã gần một thế kỷ Báo chí Cách mạng Việt Nam đồng hành và góp phần to lớn trong sự trường tồn và phát triển dân tộc, vai trò và trách nhiệm của người làm báo ngày càng được Đảng, nhà nước, nhân dân ghi nhận. Đó cũng là vinh dự của những người làm báo Việt Nam đồng thời là một trách nhiệm nặng nề để người làm báo tiếp tục cống hiến tài năng, trí lực của mình cho nước Việt ngày càng tỏa sáng. Để thực hiện được sứ mệnh cao cả đó, một điều không thể thiếu làm cháy sáng ngọn lửa đam mê của người làm báo đó là lòng yêu nước nồng nàn, lòng tự tôn dân tộc.

“Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Phóng viên tác nghiệp tại mặt trận miền Trung – Ảnh nguồn internet)

TIN LIÊN QUAN:
>>> Báo chí với vai trò “phò chính, trừ tà”
>>> Báo chí trong quá trình toàn cầu hóa: Phải tự hoàn thiện mình

1. Như chúng ta đã được biết, một trong những hoạt động yêu nước đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sử dụng phương tiện báo chí đại chúng, Người trở thành nhà báo kiệt xuất và sáng lập ra tờ Báo Thanh Niên – tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam đồng thời cũng là một cây bút chiến sĩ đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng thế giới. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tổ chức thành công báo Thanh Niên đều đặn gửi về để lưu hành bí mật. Báo Thanh Niên đặt nền móng chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. 15 năm sau, ngay khi vừa về tới Việt Bắc Người cho ra đời báo “Việt Nam độc lập” với mục đích, tôn chỉ như một chính cương: “Việt Nam độc lập” thổi kèn loa/ Kêu gọi nhân dân với trẻ già/ Đoàn kết vững bền như cối sắt/ Để cùng nhau cứu nước Nam ta. Cách mạng Tháng 8 thành công, trên đường từ chiến khu về Hà Nội, Bác Hồ chỉ thị nhanh chóng thành lập đài phát thanh quốc gia, từ đó, với trọng trách tối cao trước Đảng và nhân dân, cho dù công việc hết sức bộn bề, Bác Hồ vẫn viết báo không mệt mỏi, với đam mê ít người sánh bằng. Người từng nói: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư, người ta có thể viết những bức thư yêu đương”. “Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Bác dặn các nhà báo trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết: cần tự mình sáng tỏ: Ta viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng.
2. Suốt cuộc đời vì dân vì nước của Bác có một phần không thiếu được đó là: sử dụng báo chí để tuyên truyền, định hướng cho mọi người, tất cả vì nước Việt ngày càng tươi sáng, hòa bình, ấm no, hạnh phúc.
Cho đến hôm nay nền báo chí Cách mạng Việt Nam với tuổi đời gần một thế kỷ, nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Những người làm báo đương thời vẫn miệt mài làm tốt sứ mệnh của mình với đất nước, với nhân dân. Thực tế đã cho thấy, báo chí hôm nay, đã và đang góp phần to lớn cho sự nghiệp chống nghèo nàn lạc hậu, đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế để Việt Nam tiếp tục định vị là một quốc gia hùng cường. Việt Nam đã luôn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thập kỷ qua, giảm tỉ lệ đói nghèo từ 60% những năm đầu thập kỷ 90 xuống còn một con số như ngày nay. Để có được những thành quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của báo chí Việt Nam.
Trong bài phát biểu nhân ngày kỷ niệm 93 năm báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân và phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, báo chí nước nhà đã thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đưa tin đầy đủ, kịp thời về tình hình trong nước và quốc tế; phản ánh mọi mặt đời sống xã hội; phát huy những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình hiệu quả, cách làm hay; biểu dương gương người tốt, việc tốt; phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; bảo vệ chủ quyền quốc gia, tuyên truyền đối ngoại; đấu tranh và phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống. Qua đó cùng tạo sự đồng thuận để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Song, bên cạnh đó, báo chí Việt Nam đã làm tốt vai trò góp phần định hướng xã hội đúng như nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Trong thời gian qua, báo chí đã góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hóa. Nhiều tin, bài đã phát hiện, làm lan tỏa những nét đẹp về văn hóa ứng xử trong đời sống xã hội, từ đó tác động tích cực và nhân lên những điều tốt đẹp. Bên cạnh đó, báo chí cũng đã phát hiện, phản ánh và lên tiếng mạnh mẽ trước nhiều hiện tượng, hành vi thiếu chuẩn mực, lệch chuẩn. Qua đó rung lên hồi chuông báo động về sự xuống cấp trong ứng xử văn hóa, mở rộng hơn là sự xuống cấp về đạo đức xã hội.
3. Cho đến hôm nay, đã có trên 36 nghìn người đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí, hơn 18 nghìn nhà báo được cấp thẻ và hơn 20 nghìn hội viên hội nhà báo Việt Nam. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo đã, đang và sẽ tiếp tục khẳng định vai trò trách nhiệm của mình với sự phát triển đất nước, với lòng tự tôn dân tộc, trong xu thế phát triển ngày càng đa dạng, phong phú các loại hình báo chí hiện nay. Và tất cả đều hướng đến xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” trong một tương lai gần. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại buổi lễ khai mạc Hội báo toàn quốc 2019: “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn luôn đánh giá cao vai trò của báo chí, coi báo chí là phương tiện thông tin chủ yếu, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn rộng lớn của nhân dân”.

Bình An



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/01/2025