Bảo tồn nghệ thuật ca trù Thiếu chuẩn mực, “phấn cũng như vôi”
(KDPT) – Được coi là loại hình nghệ thuật vừa dân gian, vừa bác học, ca trù kén người nghe, kén cả người học. Ngay cả trong những gia đình có truyền thống, lớp trẻ đã được truyền dạy bài bản trong thời gian dài, song con đường gắn bó với ca trù của họ cũng không dễ dàng…
“Gia đình có “vốn” để lại cho tôi, nhưng ca trù không may vì trải qua chiến tranh bị lãng quên mấy chục năm, đến khi khôi phục thì các nghệ nhân có trình độ để dạy đã ra đi gần hết, số cụ còn lại học và làm được nhưng đi dạy thì hơi khó. Khi tôi nhận được tin bảo tồn, khôi phục ca trù, tôi rất mừng, tưởng là ca trù có thể quay lại. Tôi cũng từng được mời dạy ca trù, nhưng chỉ trong 2 tháng. Tôi đã nói dạy để hát được ca trù, không thể chỉ trong 1 – 2 tháng, bởi (thời gian ngắn như thế) người học chưa cầm được phách. Họ cho là tôi làm khó, sau đó, họ tự giải quyết, và họ giải quyết được thật, cả nước hát “Hồng tuyết”. Cũng có người bảo tôi dạy 1 bài để đi biểu diễn nước ngoài, nhưng tôi nói ca trù không thể dạy 1 bài” – nghệ nhân ca trù Phó Thị Kim Đức kể.
Ca trù một thời bị “ghẻ lạnh”, vì thế những thế hệ sau không hiểu và cũng không thể tiếp cận, đó là cái vô cùng khó cho loại hình nghệ thuật này – PGS. TS. Đặng Hoành Loan nhận định. Tuy nhiên, từ khi ca trù được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 10 năm nay, việc tạo điều kiện cho nghệ nhân truyền dạy ca trù không đáng là bao, nên nghệ thuật ca trù chưa thể phục hưng. Nghiên cứu nhiều nơi, không đâu dạy ca trù trong 1 – 2 tháng, mà phải tính bằng năm, đào nương phải học đúng 5 năm mới được giáo phường chấp nhận. Trong khi đó, PGS. TS. Đặng Hoành Loan khi còn làm việc tại Viện Âm nhạc Việt Nam đã dự định tổ chức lớp truyền dạy ca trù 3 tháng, nhưng chỉ được đồng ý cho tổ chức trong 10 ngày!
Tuy ca trù chưa được quan tâm bảo tồn theo đúng giá trị đặc sắc của bộ môn nghệ thuật này, nhưng thời gian vừa qua, nhiều nghệ nhân vẫn dốc tâm sức truyền dạy cho lớp trẻ để nghệ thuật này không bị lãng quên. “Họ không bằng thầy, nhưng vốn truyền lại sẽ được trau chuốt dần. Những năm 1985 – 1990 khi nghiên cứu ca trù, tôi lo lắng vì cả nước chỉ có hơn 10 nghệ nhân, thậm chí ở Thanh Hóa chỉ còn 1 người. Nhưng đến nay, đặc biệt ở Hà Nội có nhiều giọng hát hay, nhiều tay đàn vững. Điều đó để thầy chúng ta đã có lớp kế cận, đáng trân trọng vô cùng” – PGS.TS. Đặng Hoành Loan nhận định.
Từng biểu diễn ca trù tại 11 quốc gia và được đón nhận nồng nhiệt vì ca trù quá độc đáo, NSƯT Kim Đức thấy rằng mình phải có trách nhiệm bảo tồn di sản của ông cha. Nhiều năm qua, bà truyền dạy miễn phí, nhưng tuyển lựa và dạy học trò chỉn chu để gìn giữ môn nghệ thuật này cho chuẩn. Ở tuổi 88, bà vui mừng vì đã nghiên cứu lại bài bản ca trù đàn hát khuôn và truyền dạy cho nhiều học trò. “Đến giờ, sự bảo tồn riêng của tôi, tôi cũng thấy yên tâm. Các cháu được truyền dạy đã nắm rõ khuôn khổ, phát âm, đàn hát… Tôi mừng vì có người thừa kế”.
Không thể ngày một ngày hai
“Người thầy càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng may mắn cho bộ môn nghệ thuật này bấy nhiêu. Hiện nay, người học nghệ thuật truyền thống có thể nắm bắt nhanh hơn do có phương pháp hỗ trợ, tôi tin là thời gian truyền dạy có thể nhanh hơn, nhưng không thể chỉ vài tháng hoặc qua lớp tập huấn”. PGS. TS. Nguyễn Thụy Loan |
Những năm gần đây, số người hát ca trù, các câu lạc bộ ca trù đã tăng lên đáng kể ở nhiều vùng miền. Các liên hoan ca trù thu hút nhiều đào nương trẻ và nhỏ tuổi tham gia. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Khuê, giáo phường ca trù Thái Hà lo lắng: Ngược dòng thời gian, xưa những người cầm chầu, trùm giáo phường, ngoài có tài làm thơ, dạy con cháu, họ biết thưởng thức và đánh giá người biểu diễn hay, dở qua các thẻ, từ đó mà đào nương, kép đàn có thể biết được vị trí của họ trong giáo phường và có hướng phấn đấu. Nhưng hiện nay, về chuyên môn không có người đánh giá được, thành ra “phấn cũng như vôi”. Chưa có nhà nghiên cứu nào làm rõ tính khoa học, chuẩn mực của bộ môn nghệ thuật này, khiến mọi người không nhận biết được ai đàn hát hay dở.
Từng có thời kỳ người yêu thích rầm rộ học hát ca trù qua… băng. Nghệ nhân dạy từng tiếng phách, từng câu hát, người học nắm rõ rồi biến tấu nhưng vẫn trong “khuôn”, ai không học cặn kẽ, khó biết phần sai, đúng. Nghệ sĩ Nguyễn Văn Hải, người theo học NSƯT Kim Đức từ lâu cho biết: “Việc học ca trù rất khó, từ cách ngồi, giơ tay đánh phách, lấy hơi nhả chữ, đòi hỏi người học say mê và thường xuyên luyện tập, rồi dần mới hiểu và tiếp cận được. Phát âm tròn trịa, nghiêm cẩn, đài các; đánh ra được tiếng phách kép, hòa quyện cho hay, đòi hỏi học trò luyện tập thời gian dài, có thầy dạy mà làm theo được đã khó. Bởi vậy, nghe qua băng bắt chước lại như con vẹt, không thể hiểu được sợi chỉ xuyên chìm trong cả câu hát, cả mạch âm nhạc ấy…”.
Từng xem nghệ nhân truyền dạy, cầm tay học trò, trau chuốt, chỉnh nắn từng tiếng phách để đạt đến nghệ thuật, nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Loan so sánh hát ca trù không khác hát opera, vì thế không thể học ngày một ngày hai, vài tháng, thậm chí vài năm đã xong. Với nghệ thuật tổng hợp này, ca nương vừa hát, gõ phách, vừa nghe tiếng đàn, trống. Xưa kia người học phải 10 – 15 năm mới thành nghề, chưa nói tới xuất sắc còn phải có tài năng. Cái khó và tinh tế của ca trù đòi hỏi người học phải thực sự yêu nghề và nghiêm túc. Bên cạnh lớp kế cận, phải giáo dục cả người thưởng thức, nếu người thưởng thức không khó tính, người biểu diễn dễ dãi, đồng nghĩa với nghệ thuật ngày càng suy thoái. Hiện tại nhiều nơi sinh hoạt ca trù đã thu hút các bạn trẻ, vấn đề là phải làm cho họ hiểu để thấy được cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật này.
Theo báo Đại biểu nhân dân