Ngày 22/10, cho ý kiến tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội , đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian nói về tình hình xăng dầu trong thời gian qua.

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, việc xăng dầu khan hiếm còn dẫn đến mất an ninh lương thực. Ông Phan Văn Mãi nêu lo ngại nếu "giá xăng bùng lên một lần nữa thì sẽ rất khó khăn". Do vậy, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị cần đánh giá đồng bộ và kịp thời giải quyết vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, cả thế giới điêu đứng trong vấn đề năng lượng. Trong đó, đáng lưu ý dù giá xăng dầu cao nhưng cũng không có hàng để mua.

“Giá xăng dầu của chúng ta thấp nhất trong khu vực và có thể nói thấp nhất trên thế giới. Trừ Malaysia trợ cấp trong nước thì không nói, còn người nước ngoài sống ở Malaysia vẫn phải mua giá của khu vực, cao hơn bình quân giá của chúng ta”, ông Diên nói.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Người đứng đầu ngành Công Thương cho biết, do ảnh hưởng của tình hình thế giới, cho nên biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao. Trong 10 kỳ điều hành liên tiếp, giá xăng dầu liên tục giảm, nhưng đến thời điểm này bắt đầu lên. Theo ông Diên, doanh nghiệp nhập xăng dầu với giá cao ở kỳ trước nhưng hiện nay bán giá thấp đương nhiên bị thua lỗ, khủng hoảng, chưa kể nguồn cung thế giới thiếu hụt.

Tại sao có chuyện bảo đảm cung ứng xăng dầu mà lại có chuyện đứt gãy, nhiều cửa hàng đóng cửa? Bộ trưởng lý giải, về nguồn cung, Việt Nam chưa bao giờ thiếu.

“Cho đến thời điểm này, khi dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác. Chúng tôi có những cơ sở, số liệu, kiểm tra, đánh giá một cách rất chi tiết. Hàng ngày chúng tôi có lực lượng quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, kết hợp với Sở Công Thương kiểm soát từng địa bàn, nắm lượng hàng”, ông Diên nói.

Theo Bộ trưởng, thời điểm cuối tháng 9 và đầu tháng 10, Việt Nam có trữ lượng xăng dầu khoảng 3 triệu m3. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11. Sang tháng 11, các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, nhập khẩu.

“Nguồn cung không thiếu, nhưng bán ra thị trường có khó khăn. Khó khăn này là trên cả nước. Doanh nghiệp phải mua giá cao, nhập giá cao kỳ trước, bán trong kỳ với giá thấp thì lỗ, mà đã lỗ thì ai dám làm”, Bộ trưởng cho hay.

Ông Nguyễn Hồng Diên cũng dành thời gian phân tích vì sao không xảy ra việc đóng cửa cửa hàng xăng dầu trên phạm vi cả nước, mà chỉ tập trung ở TP Hồ Chí Minh, khu vực miền Tây. Theo Bộ trưởng, khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Tháng 8 vừa qua bắt được vụ sản xuất, buôn xăng dầu lậu hàng trăm triệu lít.

“Giờ siết chặt xăng dầu lậu, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà xăng dầu chính thống, như vừa phân tích, nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động nên khó khăn, chiết khấu thấp. Đang kiếm được nhiều tiền, giờ ít hơn, thậm chí lỗ, thì không ai làm”, Bộ trưởng lý giải.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản cũng có tác động nhất định. “Thông thường, những doanh nghiệp làm xăng dầu đều tham gia ít nhiều bất động sản, chứng khoán, nên nguồn tiền bị vơi đi. Đến kỳ nhập hàng, bối cảnh nhập cao, bán thấp thì họ không có nguồn tiền nhập”, ông Diên cho hay.

Về nguyên tắc xử lý, Bộ trưởng khẳng định, doanh nghiệp nào sai thì kiên quyết xử lý theo luật. Bên cạnh đó, nghị định về kinh doanh xăng dầu cũng đã bộc lộ nhiều khuyến khuyết, sẽ nghiên cứu sửa đổi. Theo ông Diên, nếu rút giấy phép thương nhân phân phối, đồng nghĩa chặt đứt nguồn cung cửa hàng bán lẻ, đại lý.

“Không thể có chuyện "quýt làm cam chịu". Sau này, chúng tôi sẽ làm theo hướng, anh vi phạm thì lần 1 phạt tiền; lần 2 phạt tiền cao hơn và lần 3 thu hồi giấy phép. Anh đi thì người khác sẽ đến, trăm người bán, vạn người mua”, Bộ trưởng khẳng định.