Bước đi tiên phong vì chiến lược quốc gia bền vững
Điểm mới trong cách tiếp cận
Xét trên cả góc độ nhu cầu thực tiễn, nhận thức của xã hội, điều kiện công nghệ và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt là từ chủ trương đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, có thể khẳng định, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn là một hướng đi phù hợp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Từ bối cảnh và yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (IOHEC) đã phối hợp Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam (Khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền)”. Qua đó, đặt mục tiêu hướng tới đề xuất Bộ Tiêu chí để xây dựng mô hình KTTH cho KCN Việt Nam.
Trong thời điểm Chính phủ và các cơ quan bộ ban ngành đang khẩn trương lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, thì việc Viện IOHEC và Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền – KCN sinh thái đầu tiên do người Việt thực hiện) tiến hành nghiên cứu Đề tài về KTTH là kịp thời, đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Có thể nói, đây là Đề tài nghiên cứu khoa học đầu tiên về KTTH tại Việt Nam, mở ra bước đi tiên phong, định hướng cả về lý luận, thực tiễn cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp.
Tại Hội thảo khoa học lấy ý kiến và công bố Đề tài quan trọng này vừa qua, ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý, Viện trưởng Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng, cho biết: Tư duy tiếp cận phải theo hướng KTTH là một triết lý gắn liền với sự sống con người. Theo đó, Đề khoa học đưa ra 3 điểm mới trong Phương pháp nghiên cứu, Phạm vi nghiên cứu và Mục đích nghiên cứu. Về Phương pháp nghiên cứu được vận dụng theo học thuyết chủ nghĩa duy vật, trên cơ sở lý luận thực tiễn về KTTH như một dạng vật chất được luân chuyển trong vòng tròn khép kín, phù hợp với từng điều kiện để biến đổi từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác, nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm vật chất bền vững. Theo đó, dòng vật chất luôn được duy trì tồn tại, tham gia vận hành, phục vụ xã hội nhân sinh, thông qua quá trình chuyển đổi dạng thức bằng cách thiết kế chủ động tổng thể toàn bộ hệ thống.
Vấn đề đặt ra, là phải xây dựng mô hình KTTH mang đặc thù nền kinh tế Việt Nam, phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua đó, Đề tài đã đánh giá khả năng thực hiện mô hình KTTH trong KCN Việt Nam – khảo sát mô hình điểm KCN Nam Cầu Kiền, sự ra đời và thực tiễn tổ chức kinh tế tuần hoàn thế giới và kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn của một số quốc gia, để khẳng định tính tất yếu của xu hướng chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính (KTTT) sang kinh tế tuần hoàn (KTTH).
Giải pháp giúp xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật BVMT
Vấn đề KTTH đã được đề cập trong nhiều Văn kiện của Đảng, như Nghị quyết 55-NQ-TW tháng 02/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; đã được cụ thế hóa thành những chính sách, pháp luật, như Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã chính thức đề cập đến khái niệm và các quy định về KTTH.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam nhận định, Đề tài nghiên cứu khoa học do Viện IOHEC thực hiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với Viện và Công ty Cổ phần Shinec (Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), mà còn đối với các tổ chức khác trong nước, đối với việc xây dựng chính sách của Nhà nước vì mục tiêu chiến lược phát triển quốc gia bền vững.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cho rằng: KTTH đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu, do đó ông đánh giá rất cao khi Viện Môi trường và Sức khỏe vì cộng đồng đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu, lấy ý kiến, hoàn thiện và đưa vào thực tiễn. PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, để thực hiện Đề tài rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, nhiều cơ quan, đơn vị ban ngành, với những nội dung nghiên cứu đề tài đã đưa ra, rất cần sự cổ động của cộng đồng, từ chính quyền đến doanh nghiệp, bởi trên cơ sở đó đã phác thảo và mở ra cách tiếp cận, hướng đi cho KTTH ở Việt Nam trong thực tiễn.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế – Ngân sách Quốc hội, đề xuất: Cần hoàn thiện và thừa nhận cũng như sử dụng bộ tiêu chí mô hình KTTH trong KCN. Đó là, việc nghiên cứu đã dựa trên hai phương pháp tiếp cận KTTH và thực tiễn nghiên cứu KCN Việt nam, đề tài đưa ra Bộ tiêu chí KTTH trong khu công nghiệp theo cấp độ phân vùng (Quy mô nền kinh tế) và tiêu chí theo nhóm ngành vật liệu.
Tại hội thảo, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Shinec – Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, nhấn mạnh: KCN Nam Cầu Kiền đã hoàn thành 100% 8 tiêu chí về KCN sinh thái theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ, phát triển thêm 4 tiêu chí về hoạt động sản xuất công nghiệp sinh thái, trở thành mô hình ưu việt cho nền kinh tế công nghiệp hiện đại ở Việt Nam, giải quyết mạnh mẽ thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
HOÀNG ANH