Chỉ thị nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật. Ảnh minh họa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg nhằm tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng chỉ thị từng bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.

Đây cũng là chỉ đạo mới nhất về vấn đề này được Thủ tướng đưa ra. Trước đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu.

Cụ thể như Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, đã giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm…
Nhiều quy định mới mang tính cải cách đã tác động thực sự mạnh mẽ đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Điển hình, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã gọi điện, gửi thư, bày tỏ vui mừng, cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Điểm nổi bật nhất của Nghị định này là đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất; các thủ tục hành chính nhiều và rườm rà… Các yêu cầu trước đây như thương nhân xuất nhập khẩu phải sở hữu ít nhất 150.000 vỏ bình gas 12 lít, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình… nay đã được bãi bỏ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Cụ thể, mới chỉ có khoảng 6% mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra chuyên ngành. Vẫn còn 63/164 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành chưa được các bộ quản lý chuyên ngành ban hành chính thức, chưa chỉ rõ mã HS từng mặt hàng, hoặc có mã HS chưa phù hợp.

Dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ 3 lần so với các nước ASEAN-4.

Vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này. Tiến độ thực hiện đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu còn thực hiện chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra.

Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Phương Thúy