>>> Làm gì khi môi trường hoạt động thay đổi?

>>> Sự tương tác và sức mạnh tiềm ẩn

Trong những ngày này, khi hoạt động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển, chúng ta lại nhớ đến lá thư của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ 5 gửi giới doanh nhân trẻ Việt Nam.


Niềm tin vào tương lai

Trong thư, những cụm từ “Tổ quốc để phụng sự”, “đất nước để dựng xây”, “dân tộc Việt Nam để gìn giữ trường tồn” được Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khóa 4 Mai Hữu Tín tô đậm.

“Thời đại của chúng ta hiện nay là thời đại hội nhập không thể cưỡng lại của nền kinh tế toàn cầu; thời đại của thế mạnh vượt trội trong việc sử dụng công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất lao động cao; thời đại của bản lĩnh và ý chí mạnh mẽ dám thay đổi và hành động quyết liệt; thời đại của việc thành công trên thương trường gắn liền với trách nhiệm xã hội…”, bức thư viết.
Khẳng định niềm tin vững chắc của doanh nhân trẻ Việt Nam vào tương lai, thư nêu rõ, niềm tin ấy bắt nguồn từ ý chí quật cường, từ lòng tự trọng, từ niềm tự hào dân tộc.
“Hàng trăm nghìn doanh nghiệp đã phải từ bỏ thương trường trong mấy năm qua. Nhưng tất cả những thách thức ấy không thể và không bao giờ cướp đi của chúng ta niềm tin và khát vọng, bởi chúng ta có sức trẻ, chúng ta có niềm tự hào dân tộc và lòng kiêu hãnh của mỗi cá nhân; bởi chúng ta tin rằng chúng ta đủ khả năng vượt mọi khó khăn và chứng minh được bản lĩnh của mình”, bức thư có đoạn.

Hướng về nông nghiệp và kinh tế biển
Thư cũng nhắn nhủ doanh nhân trẻ tỉnh táo lựa chọn lĩnh vực hoạt động để có thể phục vụ được tốt nhất lợi ích của đất nước, của người Việt Nam và tạo ra được những thương hiệu Việt Nam bền vững.
Một hướng đi mà doanh nhân trẻ nên lựa chọn, được xác định tại thư là nông nghiệp và kinh tế biển. Đã có nhiều câu chuyện thành công trong lĩnh vực này khởi nguồn từ chính tổ chức Hội, và Hội sẽ tiếp tục nhân rộng những tấm gương như vậy, thư viết.
Hiện trong tập thể Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, đã có ít nhất là vài trăm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong nông nghiệp và kinh tế biển. Và nhiều doanh nghiệp lớn trong Hội cũng đang rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, điển hình như FPT có hẳn bộ máy riêng để chuẩn bị các phương án phát triển nông nghiệp Việt theo mô hình mới.

Tuy nhiên, Hội đã thực sự chuẩn bị được những gì cho hướng đi này, khi nhiều tên tuổi lớn khác của Hội vẫn chưa gắn nhiều với nông nghiệp và kinh tế biển?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch Hội khóa 4 Mai Hữu Tín nói: “Chúng tôi xác định rất rõ với hơn 60% dân vẫn sống ở nông thôn thì thay đổi bộ mặt nông thôn là việc rất lớn, nếu muốn nông dân Việt Nam giàu hơn”.

Ông Mai Hữu Tín, ngoài việc tham gia Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, ông còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I. Nhiều năm khảo sát thực tế trong nước, tìm hiểu kinh nghiệm nước ngoài, đặc biệt là từ Israel, 6 năm trước, U&I thông qua công ty con là Unifarm quyết định đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, dù đây không phải lĩnh vực sở trường của doanh nghiệp này.
Đầu tư cả trăm tỷ đồng trên diện tích 500 ha với công nghệ được chuyển giao từ Israel, sản phẩm của Unifarm đạt chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu – Global GAP. Dưa lưới, ớt, đậu bắp… đã “vượt biên” sang một số thị trường khó tính nhất. Giá trị sản xuất nông nghiệp đã có thể đạt ít nhất là 500 triệu đồng/ha.

Ổn định thị trường thì mới lo được đầu ra cho sản phẩm của nông dân. Từ tư duy này, U&I tìm cách chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng trọt cho các trang trại và nông hộ trong khu vực, với mục tiêu hình thành một vùng nông nghiệp lớn trên đất Bình Dương.
Dù mới chỉ là thành công bước đầu, song ông Tín tin rằng mô hình này đang góp phần mang đến giải pháp cho tình trạng nông dân quá lệ thuộc vào sự bấp bênh của thị trường trong nước và sự thao túng của thương nhân nước ngoài.
Tuy nhiên, để người nông dân không tiếp tục nghèo và không lệ thuộc ngay trên chính mảnh đất của họ thì cần cả chiến lược cấp quốc gia chứ không riêng nỗ lực của cá nhân nào, ông Tín tâm tư. Và Unifarm là một cách để vị doanh nhân này rút ra bài học từ thực tiễn, từ đó đề xuất chính sách góp phần hình thành nên chiến lược tổng thể đó.
“Tôi phải làm trước khi nói, thì tiếng nói của tôi mới thực sự thuyết phục”, ông Tín nói.
Khi đã có những thành công nhất định trên con đường lập nghiệp, một số doanh nhân trẻ dường như đang chọn lựa dấn thân vào các dự án mới không hoàn toàn chỉ vì lợi nhuận. Họ mong muốn được đóng góp vào sự hình thành nên những chính sách mang tầm quốc gia để phát triển kinh tế bền vững, từ sự trải nghiệm của bản thân.
Và, một trong các lĩnh vực được họ đặc biệt quan tâm, chính là nông nghiệp – trụ đỡ đang lung lay của nền kinh tế Việt Nam.

Vị doanh nhân vừa rời cương vị Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam cũng nhấn mạnh, tiềm năng kinh tế biển của Việt Nam là cực lớn nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức, và làm kinh tế biển thật tốt chính là cách dễ nhất để giữ chủ quyền biền đảo và giúp ngư dân.

“Kinh tế biển và nông nghiệp cũng là định hướng lớn của đất nước, nếu doanh nhân trẻ với sức trẻ với sự táo bạo, nhiệt tình của mình mà không làm thì ai làm đây?”, ông Tín nói.

Trung Linh