Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, là chị cả trong gia đình có 3 cô con gái tại huyện Lập Thạch. Tuổi thơ vất vả, cùng những định kiến của xã hội về việc cha mẹ sinh con một bề là con gái đã luôn hối thúc Trang cố gắng nỗ lực vươn lên để thoát nghèo, để đồng cảm và chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế hơn mình nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Quan trọng hơn, Trang muốn cha mẹ luôn tự hào về mình và lan tỏa thông điệp: xã hội sẽ thay đổi cách nhìn nhận về vai trò của người phụ nữ.

Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, dáng người nhỏ nhắn, thân thiện, gương mặt ưu tú với giọng nói truyền cảm, cách trình bày mạch lạc, sâu sắc bằng cùng dẫn chứng sinh động, thiết thực, cụ thể, nữ ứng cử viên đã khiến rất nhiều cử tri xúc động, nhưng cũng vô cùng cứng rắn khi trình bày chương trình hành động của bản thân. Theo đó, mối quan tâm hàng đầu của cô đó chính là nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của một đại biểu dân cử, đó chính là phải gần dân, dành nhiều thời gian thường xuyên gắn bó, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, với cử tri; nhằm lắng nghe được nhiều ý kiến của nhân dân ở nhiều lĩnh vực để mang tiếng nói của người dân đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật, để luật sát với thực tiễn, dễ đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Cô giáo Trang chia sẻ: “Ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào thì người dân chính là chủ thể của việc xây dựng và phát triển đất nước. Chính vì vậy, việc nhân dân ủng hộ, nhân dân hiểu, nhân dân thực hiện, nhân dân giám sát sẽ tạo được mối đoàn kết dân tộc to lớn, làm tiền đề cho sự phát triển của địa phương và của đất nước. Việc gần dân, lắng nghe nhân dân chính là cách các đại biểu tạo mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân và chính quyền, nhưng đồng thời cũng là cách mà các đại biểu có thể học hỏi từ người dân, góp phần nâng cao kiến thức bản thân nhưng đồng thời góp phần vào công tác xây dựng pháp luật”

Cô giáo Nguyễn Thị Trang – Phó BT Đoàn Thanh Niên, giáo viên tiếng Anh trường THPT Vĩnh Yên, UV BTV Hội hữu nghị Việt Anh tỉnh Vĩnh Phúc. Ứng cử viên trẻ tiềm năng

Trong chương trình hành động của mình, cô giáo trẻ rất mong muốn có thể góp tiếng nói của mình trong việc tham mưu với các cấp lãnh đạo để có những hoạt động thiết thực, nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho đoàn viên công đoàn. Một chi tiết gây ấn tượng mạnh trong chương trình hành động của Trang chính là lên tiếng vì bình đẳng giới, quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ, hạnh phúc gia đình, luật phòng chống bạo lực gia đình; đồng thời khẳng định vai trò bình đẳng của phụ nữ trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và trong gia đình, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, hài hòa và bền vững.

Tại luận điểm này, ứng viên trẻ đưa ra rất nhiều minh chứng về vai trò quan trọng của người phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Đó là hình ảnh Hai Bà Trưng kiên cường bất khuất đứng lên phất cờ khởi nghĩa dân tộc, hình ảnh Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình – người phụ nữ quyền lực của phái đoàn Ngoại giao Việt Nam trong quá trình đám phán hiệp định Paris giai đoạn 1968-1973, hình ảnh Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khóa XIV và tỷ lệ các Đại biểu nữ trong Quốc hội Việt Nam so với khu vực và quốc tế.

Với vai trò là một cô giáo, Nguyễn Thị Trang bày tỏ sự quan tâm của mình đến vấn đề nâng cao đời sống, động lực và năng lực cho đội ngũ giáo viên và nhân viên ngành giáo dục. Cô lý giải: “Một nghiên cứu của Đại học Oxford, Anh Quốc đã chỉ ra rằng trong vòng 10 năm tới, 45% nghề nghiệp hiện tại sẽ biến mất và được thay thế hoàn toàn hoặc một phần bởi công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, trong thời đại 4.0 vai trò của người thầy cần được xác định rõ ràng hơn. Theo đó, người thầy ngoài việc cung cấp kiến thức, cần có những năng lực khác như năng lực dự đoán về xu hướng nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu, năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin, năng lực đánh giá toàn diện người học, năng lực kết nối cảm xúc, truyền động lực..…. Các giáo viên, ở những vị trí việc làm cụ thể cần được đào tạo, nâng cao trình độ và năng lực để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của công việc. Tuy nhiên, để làm được điều này thì đời sống của cán bộ giáo viên cần được quan tâm hơn, bản thân các thầy cô cần được truyền nhiều động lực, khích lệ và được đánh giá toàn diện và phù hợp hơn”.

Một vấn đề khác được cô giáo Trang quan tâm đó là tăng cường hoạt động giáo dục thể chất, kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh một cách thực chất để giáo dục tình yêu thương gia đình, lòng yêu nước, lịch sử, cội nguồn dân tộc, lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường nhằm gìn giữ những nét đẹp, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Từ đó, nâng cao nhận thức của người học về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bên cạnh đó, cần đổi mới phương pháp dạy và học ngoại ngữ với phương châm“ học ngoại ngữ đi đôi với sử dụng ngoại ngữ” nhằm mục tiêu đẩy mạnh phong dạy và học ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra quốc tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người học, sử dụng ngoại ngữ hiệu quả đáp ứng nhu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương góp phần xây dựng, quảng bá quê hương Vĩnh Phúc nói riêng và Việt Nam nói chung tới bạn bè quốc tế.

Chương trình hành động sắc nét, rõ ràng, phong thái trình bày mạch lạc, lôi cuốn thuyết phục, tác phong nhanh nhẹn, thân thiện chính là những dấu ấn rất mạnh mà cử tri đánh giá về hình ảnh một nữ ứng cử viên trẻ, một cô giáo đầy tâm huyết. Hy vọng rằng, cô giáo Trang sẽ luôn giữ được tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo và tự tin truyền động lực cho nhiều thế hệ học trò những chủ nhân tương lai của đất nước.

NGỌC ÁNH