UBND tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị Bộ Quốc phòng bổ sung quỹ đất gần 200 héc-ta để đầu tư thêm một đường cất hạ cánh vào dự án Cảng Hàng không Phan Thiết và thêm kinh phí (khoảng 386 tỷ đồng) vào tổng mức đầu tư của dự án cho khu dùng chung giữa sân bay dân sự và quân sự, cũng như khu quân sự Cảng Hàng không Phan Thiết để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khi đủ điều kiện.

Theo đó, tỉnh cho rằng phương án chuẩn bị quỹ đất mở rộng phục vụ xây dựng đường cất hạ cánh số 2 cho Cảng hàng không Phan Thiết là hết sức cần thiết, bởi sau thời gian khai thác sử dụng cùng với lưu lượng hành khách ngày càng tăng, đường cất hạ cánh sẽ phát sinh hư hỏng, xuống cấp. Khi đó, cảng hàng không phải tạm dừng khai thác để thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh… nên ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của sân bay cấp 4E. Mặt khác, Cảng hàng không Phan Thiết có tính chất sử dụng là dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự, nếu chỉ khai thác với 1 đường cất hạ cánh cho cả hoạt động dân dụng lẫn quân sự thì rất khó đảm bảo được yêu cầu về an ninh, an toàn cũng như công tác quản lý, điều hành bay…

Phối cảnh tổng thể Cảng Hàng không Phan Thiết

Dự án Cảng Hàng không Phan Thiết được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt vào ngày 16/10/2013. Theo đó, sân bay Phan Thiết được quy hoạch là sân bay dân dụng cấp 4C và sân bay quân sự cấp I. Ở giai đoạn đến năm 2020, sân bay Phan Thiết sẽ hoạt động với vai trò là sân bay phục vụ bay taxi, bay hàng không chung, bay phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn. Đến năm 2030, sân bay này có thể phát triển khai thác bay thường lệ khi có thị trường.

Vào tháng 09/2014, hạng mục hàng không dân dụng của Cảng hàng không Phan Thiết đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) và giao UBND tỉnh Bình Thuận là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án.

Tới ngày 29/08/2018 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 căn cứ theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/02/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sân bay Phan Thiết sẽ là một sân bay lưỡng dụng có tổng diện tích 550,56 héc-ta, phục vụ 2 triệu lượt khách/năm. Cấp sân bay được nâng lên 4E và vẫn là sân bay quân sự cấp I. Việc điều chỉnh và nâng cấp sân bay nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác các chặng bay Nội Bài – Phan Thiết, Vân Đồn – Phan Thiết, Cát Bi – Phan Thiết, với các máy bay code E trong giai đoạn đến năm 2030 cũng như khai thác được các loại máy bay quân sự hiện đại nhất hiện nay.

Sơ đồ giao thông TP.HCM – Phan Thiết. Nguồn: Cafeland

Tổng vốn đầu tư sân bay Phan Thiết cũng được nâng lên, giai đoạn từ nay đến 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn định hướng đến 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Vốn đầu tư dự án được xác định từ hai nguồn, vốn huy động từ nguồn kinh phí dự phòng của dự án BT khu bay quân sự để đầu tư kéo dài đường cất hạ cánh và đường lăn. Phần vốn đầu tư khu hàng không dân dụng sân bay được huy động từ nhà đầu tư BOT.

Nguyễn Vinh
(Hợp tác phát triển nội dung cùng Rubix International)