Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam được “hâm nóng” với sự ra đời của nhiều mô hình mới mẻ, sáng tạo, hút được lượng vốn đầu tư lớn.

Khởi nghiệp công nghệ trở thành là xu thế thịnh hành khi ngày càng nhiều sản phẩm ứng dụng trên nền tảng trí thông minh nhân tạo (AI), học máy, điện toán đám mây, thực tế ảo, thiết bị thông minh, fintech, nông nghiệp công nghệ cao… Tính sáng tạo, đột phá của các mô hình kinh doanh khởi nghiệp là xu thế tất yếu trong thời đại số, song cũng gặp không ít khó khăn trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp chưa hoàn chỉnh.

Chất lượng và số lượng thương vụ đầu tư các startup có xu hướng tăng mạnh trong năm vừa qua. (Ảnh minh hoạ: KT)

Tin liên quan
>>> Khởi nghiệp theo tinh thần Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Cần môi trường để tự do sáng tạo, thử nghiệm

Chia sẻ tại buổi toạ đàm về các mô hình kinh doanh mới và khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân vừa qua, ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding đánh giá, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã phát triển và tiến bộ nhưng vẫn đang thiếu “nhạc trưởng” để dẫn dắt.

Ông Dũng cho rằng, hệ sinh thái và chính sách cần chiến lược và chiến thuật đúng đắn. “Chúng ta hô hào có những doanh nghiệp tỷ USD nhưng không có chính sách, chiến lược bài bản, dài hơi mà chỉ làm ngắn hạn thì sẽ rất khó. Về mặt chiến thuật thì phải linh hoạt, hợp lý”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holding

Theo Tổng giám đốc BK-Holding, hiện chưa cần thiết phải kéo các quỹ đầu tư lớn về Việt Nam vì số lượng các startup khởi nghiệp sáng tạo đúng nghĩa còn rất ít. “Chúng ta cần xây từ gốc xây lên, một chiến lược dài hơi. Chính phủ đã đưa ra đề án rất tốt, hỗ trợ đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp…, nhưng vẫn thiếu một nhạc trưởng. Trong khi chờ các thể chế thì cần một môi trường đặc biệt, chẳng hạn sandbox (khung điều chỉnh thử nghiệm), để thử nghiệm trong quy mô nhỏ. Ở đó các startup có thể tự do sáng tạo, thử nghiệm”, ông Nguyễn Trung Dũng đề xuất.

Chưa bao giờ chính sách về khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam lại tốt như bây giờ. Tuy nhiên giới đại học và doanh nghiệp dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi, ông Dũng nhận định.

Cùng đề xuất ý kiến nhằm hoàn thiện môi trường của hệ sinh thái khởi nghiệp, ông Trần Trí Dũng, Cố vấn khởi nghiệp tại Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program) cho rằng, cần thúc đẩy các đơn vị trung gian. “Chúng ta đã có các vườn ươm, chương trình tăng tốc, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường đại học. Nhưng có một thực tế là năng lực của các tổ chức này còn nhiều mặt cần bồi dưỡng. Những hoạt động trung gian hỗ trợ khởi nghiệp này gần như không thể sinh lời, vậy làm sao những tổ chức này có thể hoạt động và phát triển. Cổ phần của các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể bán. Tôi cho rằng cần có môi trường pháp lý có thể tạo điều kiện niêm yết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Trần Trí Dũng nói.

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh thì việc chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin rất quan trọng.

Gỡ nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại

Trên thực tế, môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn còn khó khăn, đặc biệt là các chính sách về đầu tư, các vấn đề liên quan đến thoái vốn, cho vay, vốn đầu tư mạo hiểm… tạo thành các rào cản, nút thắt khiến các nhà đầu tư còn e ngại, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mất đi cơ hội kinh doanh.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đang thiếu rất nhiều. “Bắt đầu từ đăng ký kinh doanh đã gặp vướng mắc, như doanh nghiệp khởi nghiệp còn chưa biết làm gì, mà đăng ký đòi hỏi phải cụ thể. Một mô hình kinh doanh du lịch nhỏ phải xin phép 6 tháng, đi đến đâu vướng đến đấy, ngăn cản đổi mới sáng tạo…”, ông Cung thẳng thắn nói.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Đề cập vấn đề này, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, trong 3 năm qua, từ khi Thủ tướng phát động quốc gia khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào, tạo ra những thị trường mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, ông Quất chỉ rõ, trong lĩnh vực sản xuất, sự cạnh tranh rất lớn nên cần có những giải pháp mới liên quan đến 3 thứ: cấp phép nhanh, huy động nguồn vốn nhanh, và giải pháp liên quan tới thị trường xuất khẩu – bảo vệ thị trường trong nước trước những sản phẩm bên ngoài.

Sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn

Trong phiên họp toàn thể tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định: Nước ta đang có phong trào khởi nghiệp mới thành công nhưng chưa mạnh mẽ. Trong năm tới, Thủ tướng và Chính phủ sẽ có quyết sách để ý tưởng khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.

Theo đó, đối với nền kinh tế Việt Nam, để ngành kinh tế đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh, có nhiều cơ hội cho thế hệ khởi nghiệp thành công, Chính phủ phải tạo thể chế pháp luật, nhân lực, thị trường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Cụ thể, về nguồn nhân lực, cần chú trọng số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, mở ra ngành mới, xu hướng mới cho giáo dục như trí tuệ nhân tạo… Bên cạnh đó là chính sách thu hút, giữ chân các nhà đầu tư.

Về hạ tầng, Chính phủ và các bộ ngành chú trọng hạ tầng viễn thông thông minh.

Về thị trường, cần tạo thị trường mới, thay đổi trong việc mua sắm đổi mới sản phẩm, thử nghiệm mô hình kinh doanh mới.

Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ vừa phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia”, thành lập các trung tâm đổi mới, sáng tạo. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt đề án chuyển đổi số quốc gia, tạo tiền đề cho các mô hình khởi nghiệp thành công.

Theo VNF