Cùng với đó, việc ký kết một số Hiệp định thương mại (EVFTA, CPTPP) cũng mở ra cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam, đặc biệt là thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu sang với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

May xuất khẩu tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso cho biết, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong 6 tháng cuối năm 2018 và những năm tiếp theo.

Dự báo kinh tế thế giới năm 2018 có xu hướng tích cực nên nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tốt hơn năm 2017.

Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên đơn hàng gia công giày dép, túi xách tiếp tục có xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam để chờ cơ hội từ một số Hiệp định trên.

Tuy nhiên, ngành da giày cũng phải đối mặt với không ít khó khăn như: chi phí nhân công ngày càng tăng; năng suất lao động theo giờ của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực.

Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành da giày do các doanh nghiệp hướng tới đầu tư thiết bị hiện đại, giảm bớt lao động…

Theo kế hoạch, sản lượng giày, dép da sẽ đạt khoảng 279 triệu đôi trong năm 2018; trong đó quý III là 72 triệu đôi và quý IV là 80 triệu đôi.

Về sản xuất của ngành da giày trong 6 tháng đầu năm 2018 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, sản lượng giày, dép da đạt 127,4 triệu đôi, tăng 5,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo kim ngạch xuất khẩu da giày năm 2018 sẽ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Trần Hằng

Theo baotintuc.vn