Sợi dây gắn kết Việt Nam – EU

Sau gần một chục năm khởi động đàm phán cùng sự nỗ lực bền bỉ của cả hai bên, cuối cùng ngày 30-6-2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do VN – EU (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa hai bên (IPA). Có thể nói, động thái này không chỉ đơn giản khẳng định thêm một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế mà còn giống như một sợi dây gắn kết, mở ra “tuyến cao tốc” nối Việt Nam với EU.

Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) và bà Cecilia Malmström Cao ủy về thương mại của EU tại lễ ký kết Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA) – Ảnh: Internet

Tại buổi lễ ký kết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ngày 30-6 là ngày lịch sử trong quan hệ VN – EU đồng thời thể hiện niềm tin rằng hai hiệp định EVFTA, IPA khi có hiệu lực sẽ mang lại lợi ích to lớn cho người dân, doanh nghiệp hai bên.

Việt Nam là một nền kinh tế hướng xuất khẩu với 69% tổng GDP từ xuất khẩu trong năm 2008 (64% năm 2009 và 61% năm 2005); EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang EU đóng góp 16% tổng GDP, đạt 14,9 tỷ USD (14% năm 2009, đạt 12.6 tỷ USD) và chiếm 17% tổng số kim ngạch xuất khẩu cả nước (duy trì từ năm 2005) . Do vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin rằng, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích từ EVFTA và IPA.

Lợi ích từ EVFTA và IPA

Theo Bộ Công thương, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của VN sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,7% kim ngạch xuất khẩu của VN.

Việt Nam từ lâu đã được biết đến là một quốc gia ưa thích của các nhà đầu tư và các doanh nghiệp châu Âu vốn có lịch sử lâu dài với những đóng góp đáng tự hào cho sự phát triển của nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Việc ký kết EVFTA sẽ tạo điều kiện giúp điều này được củng cố và mở rộng hơn nữa trong nhiều lĩnh vực quan trọng, giúp tạo thêm nhiều việc làm, phát triển chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật, tạo ra doanh thu thuế, cũng như giới thiệu những công nghệ tiên tiến hàng đầu, đồng thời cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ mới vì lợi ích của người tiêu dùng.

Bởi vậy, cam kết mạnh mẽ đối với hoạt động thương mại mở, công bằng và dựa trên cơ sở nguyên tắc từ hiệp định này sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Viêt Nam.

Sự hợp tác và gắn kết pháp lý thông qua EVFTA sẽ tạo lợi thế cho Việt Nam theo hướng phù hợp với quy tắc quốc tế, qua đó không chỉ mang lại các lợi ích về thu hút nhà đầu tư nước ngoài, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để xã hội Việt Nam được tiếp cận nguồn cung các sản phẩm chất lượng cao.

EVFTA sẽ mang đến các cơ hội đáng kể cho nông nghiệp Việt Nam thông qua gia tăng xuất khẩu nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Liên minh châu Âu hiện là thị trường lớn thứ hai của các ngành sản xuất và mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như cà phê, hạt điều và hồ tiêu. Chúng ta cũng nhận thấy cơ hội lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm ứng dụng thêm các phát minh và biện pháp kỹ thuật để gia tăng lợi ích cho người nông dân thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất và góp phần vào phát triển kinh tế bền vững.

Ảnh: Internet

Hiệp định thương mại tự do là những điều ước phức tạp vượt ra ngoài mục tiêu ưu đãi cắt giảm thuế quan đơn thuần. Trên thực tế, trong FTA hiện đại mà EU tham gia đàm phán, ngoài mục tiêu cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hầu hết các sản phẩm, các điều khoản còn nhằm hướng đến việc tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư, thúc đẩy việc thực hiện chính sách môi trường, chính sách mua sắm và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo ông Vũ Đại Thắng – thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, IPA là hiệp định bảo hộ đầu tư, bảo đảm cho các nhà đầu tư được phép di chuyển nguồn vốn, tài sản của mình sau khi thực hiện dự án đầu tư.

Cụ thể, có những tiêu chí rất rõ cho các hành vi Nhà nước không thể áp dụng phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài. Và có bổ sung các quy định nhằm miễn trừ cho Nhà nước trong các lĩnh vực có ảnh hưởng đến phát triển bền vững như môi trường, phát triển cộng đồng, đạo đức, văn hóa xã hội.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên chính thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ở Singapore chia sẻ: “Đối với Việt Nam có thể nói Hiệp Định, một phần liên quan tới thương mại tự do và một phần tới bảo hộ đầu tư, thì nó nằm trong mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế mà chính phủ Việt Nam đưa ra. Cho tới nay Việt Nam đã ký hơn 10 hiệp định tự do song phương nhưng mà có thể nói Hiệp Định của EU rất quan trọng vì EU là một thị trường rất lớn của Việt Nam bên cạnh các thị trường như Mỹ và Nhật Bản. Ngoài ra EU cũng là đối tác mà Việt Nam coi trọng trong việc thúc đẩy chính sách đối ngoại là đa dạng hóa, đa phương hóa.”

TIN LIÊN QUAN

>>> EVFTA và IPA – Cột mốc quan trọng trong quan hệ đối tác bền vững

>>> Cơ hội và tận dụng

Phương Mai