Bộ Thương mại Mỹ cho biết, trong tháng 6 năm 2020, doanh số bán lẻ đã tăng 7,5% sau mức tăng kỷ lục 18,2% vào tháng 5, đây là mức tăng lớn nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu theo dõi chuỗi năm 1992. Trước đó các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo doanh số bán lẻ của Mỹ chỉ tăng 5%.

Cụ thể, doanh số bán lẻ ô tô tăng vọt 8,2%, do nhận được một sự thúc đẩy lớn từ việc giảm lãi suất của Chính phủ Mỹ. Khiến những người có việc làm ổn định và thu nhập tốt quyết định mua xe để tận dụng mức giá thấp. Doanh số bán lẻ xăng cũng tăng 15,3%, chủ yếu là do giá dầu tăng đều, sau khi giá xăng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 18 năm trở lại đây vào đầu năm 2020. Nguyên nhân bởi hầu hết người Mỹ đang lái xe ít hơn và chi phí gas không phải là vấn đề lớn đối với tài chính của họ.

Doanh số bán lẻ tăng hầu hết ở các lĩnh vực, bao gồm: các quán bar, nhà hàng, cửa hàng quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử. Doanh số tăng hơn gấp đôi tại các cửa hàng may mặc và đặc biệt nhảy vọt lên đến 20% tại các cơ sở thực phẩm và đồ uống, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Doanh số bán lẻ của Mỹ tăng liên tiếp trong hai tháng 5 và 6.

Sự phục hồi nhanh chóng của doanh số bán lẻ trong tháng 5 và tháng 6 phần lớn là do sự giải phóng nhu cầu bị dồn nén khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại và một lượng lớn viện trợ của chính phủ Mỹ cho công nhân và các công ty. Nhưng sự bùng nổ của các ca bệnh mới liên quan đến Covid-19, đặc biệt là ở miền Nam và miền Tây nước Mỹ, buộc một số chính quyền ở các khu vực này phải đóng cửa doanh nghiệp một lần nữa hoặc tạm dừng mở cửa trở lại.

Điều đó khiến doanh số bán lẻ khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng “chóng mặt” như tháng 5, tháng 6. Đồng thời việc Quốc hội Mỹ dự kiến ​​sẽ thu hẹp mức viện trợ và nhiều quốc gia là đối tác lớn của Mỹ phải dừng giai đoạn tiếp theo của kế hoạch mở cửa trở lại do đợt bùng phát virus mới. Đặt ra một rào cản lớn khác cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong nỗ lực trở lại từ thời kỳ suy thoái nhanh nhất và bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong lịch sử Mỹ do đại dịch Covid-19.

BÍCH NGA