Thị trường sẽ bước qua giai đoạn khó khăn

Sau thời điểm tăng nóng ở một số khu vực vào thời điểm nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản bắt đầu chững lại và sụt giảm mạnh giao dịch. Không khí trầm lắng hiện bao trùm thị trường. Doanh nghiệp địa ốc gặp khó về vốn, dòng tiền thanh khoản hàng hoá chậm. Nhà đầu tư, môi giới chuyển nghề, than khó khi hàng tồn, cạn lực tài chính để gồng gốc, lãi.

Thế nhưng, theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường sẽ có tín hiệu xoay chuyển mạnh trong năm 2023 sau hàng loạt tín hiệu tích cực.

Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định nới thêm room tín dụng khoảng 1.5-2% cho toàn hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng nhà nước nới thêm room tín dụng khoảng 1.5-2%
Ngân hàng nhà nước nới thêm room tín dụng khoảng 1.5-2%.

Theo ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc, chỉ tiêu tín dụng 1,5-2% sẽ mang đến nguồn tiền rất lớn được bơm vào nền kinh tế. Bất động sản sẽ được hưởng lợi từ thông tin này. Việc phê duyệt hồ sơ vay vốn cho khách hàng trở nên “dễ thở”. Điều này cũng đồng nghĩa, thanh khoản thị trường gia tăng khi người mua nhà được tiếp cận với dòng tiền từ hệ thống nhà băng.

Bên cạnh đó, 12 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, đây được cho là tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Quê, CEO G6 Group nhận định, “12 ngân hàng cam kết giảm lãi suất xuống trước hết là tín hiệu tích cực với nền kinh tế. Còn đối với bất động sản, đầu tiên phải xác định, việc cam kết giảm lãi suất có dành cho vay bất động sản hay không? Hay dành cho ngành nghề khác. Giả sử người mua nhà vay ngân hàng và lãi suất giảm thì đây là thông tin tích cực. Thế nên, theo tôi, để đánh giá được thông tin này đến thị trường địa ốc như thế nào thì phải xác định được rõ, người vay tiền mua bất động sản có được hỗ trợ hay không?”

Ông Quê cho rằng, kể cả không hưởng lợi trực tiếp từ lãi suất cho vay giảm nhưng với việc bất động sản là ngành có liên hệ mật thiết cùng các ngành khác. Khi sản xuất kinh doanh phục hồi, nền kinh tế khởi sắc, bất động sản cũng “ăn theo” phục hồi và tăng trưởng.

Ngoài dòng vốn từ ngân hàng, thị trường còn đón thêm làn sóng FDI từ phía nhà đầu tư ngoại.

Cụ thể, Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt 25,1 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn đầu tư FDI trong 11 tháng qua với gần 4,19 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng vốn đầu tư đăng ký. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 2,41 tỷ USD.

Tỷ trọng vốn FDI vào thị trường bất động sản
Tỷ trọng vốn FDI vào thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài bởi tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều lợi thế. Giá đất cũng ở mức cạnh tranh so với nhiều nước trong khu vực. Trong bối cảnh hiện nay, dòng vốn Fdi sẽ trở thành điểm sáng của nhiều nước trong khu vực.

Theo thống kê từ đầu năm, các nhà đầu tư ngoại từ đầu năm đến nay đã đầu tư vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, dẫn đầu là TP.HCM, Bình Dương đứng thứ hai, Bắc Ninh xếp thứ ba. Còn nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài cũng tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như TP.HCM và Hà Nội. Singapore hiện là quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam cao nhất từ đầu năm đến nay với tổng vốn trên 4,75 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,8 tỷ USD và Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,9 tỷ USD...

Dự báo thời điểm thị trường sẽ phục hồi

Cung vốn vào bất động sản sẽ cải thiện là động lực cho kênh đầu tư này sẽ khởi sắc. Trên cơ sở đánh giá về sự tích cực trong nguồn vốn tín dụng vào bất động sản, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV. Ông là Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài nhận định, khả năng cao là quý III – quý IV năm sau.

Theo vị chuyên gia này phân tích, lãi suất các ngân hàng trung ương vẫn sẽ tăng trong quý I, quý II/2023. Lãi suất cho vay của ngân hàng Việt Nam có thể tăng đến hết quý II/2023.

Các dự báo cho rằng, năm tới một số nước trên thế giới sẽ suy thoái trong ngắn hạn. Chậm nhất là đầu năm 2024 kinh tế thế giới sẽ trở lại quỹ đạo phục hồi. Tuy nhiên, thị trường đi trước khoảng một quý hoặc vài tháng, nên sự phục hồi khả năng cao sẽ xuất hiện từ quý III năm tới.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Quê, CEO G6 Group cũng đưa ra dự báo khả quan từ quý I, quý II năm 2023 có tín hiệu tốt để bắt đầu phục hồi. Nhưng để thị trường bình ổn phải tới quý 1,2/2024. Lý giả về nhận định này, ông Quê cho rằng, phải cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam và thế giới mới bắt đầu phục hồi sau ảnh hưởng của COVID-19. Thứ hai, toàn bộ hệ thống luật liên quan đến bất động sản sẽ được ban hành, dự kiến cuối năm 2023 và tháo gỡ vướng mắc đang tồn tại cho thị trường.

Tín hiệu tích cực khác đối với thị trường bất động sản, đó chính là dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam. Ngoài ra, theo ông Quê, tâm lý trên thị trường thông qua hoạt động truyền thông với thông tin tích cực cũng tác động khiến bất động sản đang dần ổn định trở lại. Mặt khác, các chính sách, thông tin về mở cửa khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu từ 1/1/2023 sẽ tác động tích cực đến ngành du lịch, theo dây chuyền sẽ tạo ra “động lực” cho ngành bất động sản và các ngành nghề khác.

Ông Quê nói thêm, thị trường hiện tại diễn biến không khốc liệt như giai đoạn 2011-2013. Thời trước, nhà đầu tư vay ngân hàng rất nhiều với tỷ lệ cao. Khi lãi suất tăng, nhà đầu tư gặp khó vì lãi suất tăng mạnh, có lúc lên tới 25-27%. Nhưng hiện tại, tỷ lệ vay ngân hàng của nhà đầu tư không quá lớn, khả năng “gồng” được. Đó là lý do ông Quê có cái nhìn đầy lạc quan vào bất động sản.