ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 01h25 05/05/2019

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Ngao ngán “bệnh” vỡ tiến độ

(KDPT) – Tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác thương mại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông vẫn đang là ẩn số với chính chủ đầu tư, đồng thời gây sự ngao ngán với người dân.

Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục vỡ tiến độ.

Tin liên quan
>>> Đường sắt Cát Linh – Hà Đông tiếp tục “thất hứa” người dân Thủ đô

Lại vỡ tiến độ

Cho đến thời điểm này, mục tiêu đưa tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vận hành, khai thác thương mại vào ngày 30/4/2019 mà Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT) đề ra đã không thể thực hiện được.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), cho đến ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khối lượng xây lắp hoàn thành tại Dự án đã đạt tới 99%. Các công việc còn lại khoảng 1% chủ yếu tại Dự án là công tác hoàn thiện, mỹ quan tại các nhà ga, khu Depot, mái che thang cuốn ngoài trời. Khối lượng vật tư, thiết bị đã nhập khẩu, chuyển đến công trường đạt khoảng 99% (chưa bao gồm thiết bị dự phòng), mới lắp đặt xong khoảng 90% phục vụ công tác vận hành chạy thử.

Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết, mốc tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào ngày 30/4/2019 là do chính Tổng thầu EPC – Công ty TNHH Tập đoàn Xây dựng đường sắt số 6 Trung Quốc cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT hồi giữa năm 2018.

Đây cũng là cơ sở mà Bộ GTVT báo cáo tiến độ Dự án với Thủ tướng Chính phủ, cũng như thông tin tới các cơ quan thông tấn báo chí – vị lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Trước đó, trong lần đề nghị điều chỉnh tiến độ hồi tháng 6/2018, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận điều chỉnh giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông vào khai thác sử dụng trong năm 2021 với 2 đường găng tiến độ được căn chỉnh lại là: hoàn thành toàn bộ công xác xây dựng các nhà ga, đường ray, lắp đặt thiết bị trong tháng 8/2019; bắt đầu vận hành chạy thử không tải từ tháng 9/2018.

Trên thực tế, ngay từ đầu tháng 12/2018, khối lượng xây lắp được Tổng thầu hoàn thành đã cán mốc 99% giá trị hợp đồng, những công việc liên quan tới “sắt, thép, bê tông” là rất ít, chủ yếu đến công tác hoàn thiện kiến trúc một số ga khu vực ngoại vi, hệ thống thoát nước… Tuy nhiên, suốt từ tháng 12/2019 đến nay, Dự án này, theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ GTVT), là có rất ít chuyển biến.

Được biết, cho tới đầu tháng 5/2019, các công việc mà Tổng thầu Trung Quốc còn nợ chủ đầu tư là hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và các đơn thể khu Depot; đấu nối thoát nước khu gian ga Vành đai 3; đấu nối hệ thống cấp nước với hệ thống cấp nước của thành phố; thi công trạm xử lý nước thải, trạm bơm tăng áp, đường nội bộ, cảnh quan, cây xanh… trong khu Depot. Bên cạnh đó, 4 chuyên ngành hạng mục thiết bị quan trọng nữa vẫn chưa chưa xong gồm: thu soát vé tự động AFC, cảnh báo cháy FAS, thiết bị công nghệ khu Depot, biển báo chỉ dẫn nhà ga…

Từ tháng 9/2018 đến tháng 12/2018, Tổng thầu mới tiến hành căn chỉnh đồng bộ 5 chuyên ngành liên quan đến chạy tàu, nhưng chưa thực hiện công tác căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử toàn hệ thống (bao gồm tất cả các chuyên ngành) có sự tham gia vận hành của toàn bộ nhân sự đã được đào tạo và vận hành theo biểu đồ chạy tàu với giãn cách thiết kế tối thiểu. Tổng thầu thể hiện sự thiếu kinh nghiệm, phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị liên kết thực hiện công tác vận hành chạy thử.

Đối với phía Việt Nam là Công ty Metro Hà Nội, đây là lần đầu tiếp cận công tác vận hành thử, cũng như vận hành chính thức sau này, đang thực hiện trình tự lựa chọn đơn vị tư vấn hỗ trợ vận hành trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tuy khối lượng xây lắp còn lại ít, nhưng số đầu việc cần phải hoàn thành là rất nhiều, trong đó có những việc nhất thiết phải hoàn thành trước khi Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình vào cuộc như: vận hành thử, đào tạo, đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, đăng kiểm đoàn tàu, xây dựng quy trình vận hành, bảo trì, bảo dưỡng…

Bóng trong chân Tổng thầu

Liên quan đến công tác đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống – đầu mục công việc quan trọng đặc biệt để Dự án có thể được bật đèn xanh đưa vào khai thác thương mại, theo thông tin của Báo Đầu tư, hiện tư vấn đánh giá an toàn hệ thống là Apave – Certifer – Tricc đã lập được 9/13 báo cáo, đã kiểm tra, kiểm nghiệm đối chứng tại nhà sản xuất và có kế hoạch thử nghiệm tại công trường để có các báo cáo còn lại trước khi cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống. Tuy nhiên, Tổng thầu chưa cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp của các bộ phận quan trọng, chưa thực hiện một số thử nghiệm an toàn quan trọng.

Điều đáng nói là, qua theo dõi, kiểm tra, giám sát và chỉ đạo trong quá trình hoàn thiện các công việc còn lại và chỉ đạo điều hành của Tổng thầu trong giai đoạn vận hành và đưa vào khai thác thương mại, có thể dễ dàng nhận thấy Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt số 6 Trung Quốc có rất ít kinh nghiệm trong quá trình vận hành khai thác. Đây là điều đã được Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt nhận thức rõ và yêu cầu Tổng thầu có giải pháp bù đắp, xử lý.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2018 đến cuối năm 2018, quá trình vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông của Tổng thầu phụ thuộc nhiều vào đơn vị liên kết là Công ty Metro Bắc Kinh và hiện thay thế bằng Công ty Metro Thâm Quyến. Do vậy, các thủ tục liên quan đến đề cương vận hành khai thác, quy trình vận hành và bảo trì, công tác căn chỉnh đồng bộ toàn hệ thống… phụ thuộc nhiều vào đơn vị liên kết, đơn vị thầu phụ, nên triển khai chậm, không đảm bảo yêu cầu.

“Do hai đơn vị đào tạo khác nhau, không có sự thống nhất về phương pháp, giáo trình đào tạo, nên học viên rất khó tiếp thu. Đặc biệt, các chuyên gia của Thâm Quyến Metro không phải là chuyên gia đào tạo, mà là các chuyên gia căn chỉnh vận hành chạy thử nên việc đào tạo thực hành chưa hiệu quả”, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đánh giá.

Về cơ bản, Tổng thầu không có khả năng điều hành, huy động các nhà thầu phụ để thực hiện sửa chữa, khắc phục tồn tại, cung cấp bổ sung hồ sơ tài liệu, thực hiện các thử nghiệm phục vụ đánh giá an toàn (do Tổng thầu chưa nghiệm thu hết khối lượng và chưa giải quyết công nợ tài chính cho các nhà thầu phụ).

Được biết, hiếm có dự án nào nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GTVT như công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông. Từ việc trực tiếp kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc trên hiện trường, đến phát công văn thúc giục, cảnh cáo Tổng thầu qua kênh ngoại giao đều đã được Bộ GTVT thực hiện.

Liên quan đến công tác giải ngân các khối lượng hoàn thành, Ban Quản lý dự án đường sắt khẳng định là chủ đầu tư luôn cố gắng thực hiện khẩn trương đối với các hồ sơ thanh toán có đủ thủ tục. Đối với các hạng mục chưa đủ điều kiện giải ngân toàn bộ, chủ đầu tư cũng đã hỗ trợ tối đa cho Tổng thầu. “Hiện khối lượng còn lại là không nhiều, nhưng nếu Tổng thầu không có sự đột phá, Dự án sẽ khó có thể hoàn thành vào cuối tháng 6/2019”, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt cho biết.

Trước đó, trong Thông báo số 869/TB- KTNN thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải làm rõ trách nhiệm của Tổng thầu và các bên liên quan đối với những thiệt hại về tiến độ để xử lý theo quy định của hợp đồng EPC đã ký.

Mặc dù là công trình yêu cầu sự khắt khe về tính thẩm mỹ, chính xác, nhưng nhiều hạng mục thi công khá xộc xệch. Qua thị sát hiện trường, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số hạng mục chưa đảm bảo chất lượng như gạch lát cầu thang lên xuống ga Đông có một số viên bị nứt, vỡ chưa được thay thế; mạch vữa lát gạch nền ga Cát Linh chưa đồng đều gây mất thẩm mỹ.

Theo Bizlive



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 24/11/2024