Hè về, không chỉ mang theo cái oi ả mà còn làm nóng ruột, nóng gan những gia đình có con cái đang ở tuổi trưởng thành, khi thấp thỏm, lắng lo cho điểm số thi đại học, chuyển cấp. Ai cũng cố gắng, cũng mong đỗ đạt với điểm số cao để tương lai mai này rộng mở. Nhưng cuộc thi mà, có người đậu thì ắt có kẻ rớt, câu nói “học tài thi phận” lại được dịp ứng nghiệm, và nếu con là một trong số đó thì xin bố mẹ cũng đừng gay gắt, rầy la chúng con, chẳng phải bố mẹ luôn nói hạnh phúc của con mới là quan trọng đấy sao?

Một thế hệ mang nhiều áp lực và kỳ vọng

Mỗi năm qua đi, đất nước lại phát triển thêm một bậc, lĩnh vực nào cũng có thêm thành tựu, mức sống con người cũng từ đó mà được nâng cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc con người đang giỏi lên từng ngày, buộc chúng ta phải tiến lên để theo kịp tốc độ vận hành của số đông và không bị bỏ lại.

Trên giảng đường, là khẩu hiệu học không ngừng, phấn đấu đưa đất nước vươn tầm thế giới; fanpage các trường cũng ganh đua, thi nhau đưa thành tích cấp quốc gia, quốc tế của các em học sinh lên và coi đó là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh cho trường. Các kênh truyền thông cũng không nằm ngoài xu thế đó, mùa thi về là lại rộn ràng các tấm gương thủ khoa vượt khó, phá kỷ lục các kỳ thi mà bậc phụ huynh nào cũng thèm thuồng, nhưng đành chẹp miệng, thở dài để ngăn câu: “Con nhà mình mà được bằng một phần con nhà người ta thì tốt…” bật ra.

Cũng đúng thôi, ai chẳng mong thế hệ trẻ trở nên tốt hơn, ai chẳng mong con mình hơn người để có một tương lai xán lạn, âu cũng là vì ấm vào bản thân chúng. Nhưng giới hạn của mỗi người là khác nhau, không thể áp đặt chúng vào những quy chuẩn nhất định, một lối mà ai cũng đi, để rồi khi thất vọng lại quay ra đay nghiến chính những đứa con mình yêu thương. Hãy quan sát chúng, dõi theo ánh mắt xem chúng thực sự hạnh phúc vì điều gì và để cho chúng phát triển với niềm yêu thích đó, chắc chắn sẽ tốt hơn việc cứ thấp thỏm kỳ vọng rồi tự bản thân lại thất vọng.

Bỏ qua những kỳ vọng được nói thành lời, thì lịch học dày đặc tại các trung tâm ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng mềm… cũng là minh chứng cho một sự kỳ vọng “bắt phải được” của các bậc phụ huynh dành cho con mình. Bởi ở thời đại này, học giỏi thôi là chưa đủ, các con cần có chút năng khiếu nghệ thuật, một chút kỹ năng mềm và biết thêm nhiều ngoại ngữ mới trở thành bước đệm tốt cho các con sau này. Chính tư duy “giỏi mọi thứ để vứt đâu cũng sống được” đã dồn những đứa trẻ vào trong một mê cung, không lối thoát, chẳng dám nghĩ đến đam mê bản thân trước những kỳ vọng quá lớn từ cha mẹ.

Với bố mẹ, điều gì là quan trọng nhất?

Trước ngày sinh, người ta thường chúc bà bầu “mẹ tròn con vuông”. Bế trên tay đứa trẻ, thì người ta lại chúc cho con “hay ăn chóng lớn”. Đó cũng là niềm mong mỏi của tất cả bậc cha mẹ, được nhìn con an yên lớn khôn, hạnh phúc luôn là điều quan trọng nhất.

Nhưng xen lẫn sự trưởng thành của con trẻ, phần lớn các bậc phụ huynh hiện nay vẫn cố “thâm canh” thêm những kỳ vọng tham lam, gắn mác vì hạnh phúc của mình. Họ luôn muốn con mình phải thật hoàn hảo, “đáng tự hào” theo cách mà họ đặt ra. Giá như con giỏi toán thêm chút nữa; giá như con chăm chỉ hơn chút nữa; hay giá như con mình được như con nhà người ta… Vì con phải thật giỏi thì sau này cuộc sống mới sung sướng, hạnh phúc được.

Liệu rằng đã bao giờ các bậc làm cha mẹ nghĩ đến cảm xúc của con mình khi liên tục găm vào đầu chúng những suy nghĩ độc đoán như thế? Liệu một đứa trẻ sống trong tình thương vô điều kiện của cha mẹ có đi quỳ trong cái nắng bỏng rát nơi sân trường vì thi trượt cấp ba như một câu chuyện gần đây tại Hà Nội? Kỳ vọng là do cha mẹ đặt ra, nhưng nếu lỡ dở không thành thì người mang tội lỗi, dằn vặt lại ở phận con cái.

Không thể phủ nhận những kỳ vọng mà cha mẹ đặt ra đều vì mục đích giúp con cái phấn đấu, phát triển nhưng dường sự áp đặt thái quá này đang khiến cho tình thương của cha mẹ trở thành có điều kiện và cứng nhắc hơn bao giờ hết.

Hạnh phúc thực sự vốn không khó kiếm tìm

Đúng là điểm số ở thời buổi này rất quan trọng, nó chứng minh cho những nỗ lực của một người trong học tập, là bước đệm giúp ta chinh phục ước mơ, là tiền đề cho một tương lai xán lạn… Nhưng nó không phải tất cả để tạo nên một người tốt, một cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn.

Càng quan trọng thì điểm số càng mang sức nặng lớn hơn và khi nó được đính kèm hạnh phúc sẽ khiến hạnh phúc phải cong mình gồng gánh đến méo mó, biến dạng và trở thành trách nhiệm nặng nề, sự ràng buộc không lối thoát.

Hạnh phúc vốn không hẹp hòi như chúng ta tưởng, nó có thể là bất cứ thứ gì trên cuộc đời này, miễn sao khiến ta thoải mái và cảm xúc đó được bật ra một cách tự nhiên nhất. Đôi khi nó chỉ là một buổi đi chơi thả ga không lo lắng bài vở, một lần được khen ngợi cố gắng vì dám đối mặt với nỗi sợ môn văn dù không đạt điểm cao, một lần được mẹ tươi cười dẫn đi mua màu vẽ thay vì cứ phải lén lút, chối quanh…

Vì thế nên những bậc làm cha mẹ hãy lắng nghe con mình, hãy cho chúng được cơ hội nói ra đam mê của mình và thử rộng lòng với điều đó thay vì luôn lăm lăm câu từ chối. Được ủng hộ và làm điều mình thích mới thực sự là thứ hạnh phúc chúng cần.

HUY VŨ