ISSN-2815-5823

Đường đua F1 ở Việt Nam có dễ thành hiện thực?

(KDPT) Thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc ban tổ chức giải đua xe Công thức 1 (F1) danh tiếng sắp đạt được thỏa thuận về việc mở một đường đua mới ở Việt Nam.

Trường đua xe F1 ở Bahrain, để được quyền tổ chức vòng đua Grand Prix tại đây, Bahrain đã phải bỏ ra số tiền hơn 60 triệu USD mỗi năm.

Thậm chí có nguồn tin còn khẳng định đường đua Grand Prix này sẽ đặt ở Hà Nội và được đưa vào lịch thi đấu chính thức của giải F1 từ năm 2019. Vậy thực hư của câu chuyện này ra sao?

Tin đồn về đường đua xe F1 trên phố cổ
Tháng 1 năm nay, nhiều tờ báo, hãng tin uy tín của nước ngoài như Reuters và Forbes loan tin rằng Việt Nam dường như đang trong lộ trình để có thể tổ chức một vòng đua trong khuôn khổ giải đua xe F1.
Thông tin hóa ra đã rò rỉ từ một cuộc họp được tổ chức ở khách sạn Sofitel London ở nước Anh, với thành phần là các đại biểu thuộc Hiệp hội những nhà quảng bá giải đua xe F1.
Hiệp hội được thành lập hồi năm 2012, có vai trò đại diện cho các địa điểm tổ chức những vòng đua xe F1 (Grand Prix – tính tới năm 2018 là 21 đường đua).
Theo sau cuộc họp này là một bữa tối gặp mặt do Công ty Liberty Media Corporation tổ chức. Đây là một công ty truyền thông mới mua được quyền sở hữu giải đua xe F1.
“Họ sẽ thông báo về một đường đua xe trên phố cổ ở Việt Nam”, một nguồn tin giấu tên nói với Forbes. Hãng tin còn lạc quan nhận định rằng Việt Nam sẽ sớm công bố về quyết định tham gia tổ chức một vòng đua F1 trong vài tuần tới. Nhưng rốt cục chẳng có thông tin chính thức nào được tung ra cả.
Dù vậy, từ lâu nay việc các nhà tổ chức giải F1 lên kế hoạch xây dựng một đường đua ở Việt Nam đã không còn là bí mật nữa. Hồi tháng 10 năm ngoái, tờ báo chuyên về đua xe Autosport đưa tin rằng Việt Nam không chỉ góp mặt trong danh sách các địa điểm tiềm năng tổ chức một vòng đua xe F1 mà nhà tổ chức còn “đang tiến hành” các cuộc đàm phán với chính quyền địa phương.
Tin này được đưa ra 6 tháng sau khi tờ Independent của Anh tiết lộ rằng cựu Tổng giám đốc điều hành giải F1 Bernie Ecclestone đã không bật đèn xanh với việc tổ chức đường đua Grand Prix Việt Nam. Tuy nhiên kể từ đầu năm ngoái, ông này đã bị thay thế bởi Chase Carey, ngay sau khi công ty Liberty mua lại hoạt động kinh doanh F1.
Khi còn tại vị, Ecclestone thừa nhận ông ta đã từ chối cơ hội ký kết bản hợp đồng với Việt Nam, vốn có thể mang về cho giải F1 số tiền phí lên tới 391,2 triệu USD trong vòng 10 năm, nói rằng đây là một bước đi “quá xa” với giải đua nổi tiếng.
“Tôi đã được tiếp xúc và đề cập về việc tổ chức một đường đua ở Việt Nam… Tôi đã có thể thông qua thỏa thuận và ký kết nó trong tháng 8 (năm 2017). Mọi thứ đã được sắp xếp xong”, Ecclestone tiết lộ.
Trái ngược với danh tiếng tồn tại từ lâu của Ecclestone là luôn chạy theo đồng tiền, ông nói lý do để không bật đèn xanh với đường đua ở Việt Nam là do nơi đây ít có liên quan tới hoạt động đua xe ôtô. “Đất nước này không có chút lịch sử nào liên quan tới đua xe ôtô”, ông tuyên bố.
“Vì thế tôi không muốn mở thêm một dường đua nữa ở tại khu vực nơi chúng ta đã có những nhà quảng bá đang làm việc rất tốt. Tôi từng bị chỉ trích vì đã đặt các đường đua mới ở Baku (Azerbaizan) và ở Nga, những nơi cũng không có bề dày lịch sử về đua xe”.
Giới phân tích đánh giá rằng, việc mở đường đua mới tại các điểm như Baku hay Sochi ngoài việc mang lại tiền tươi còn giúp tạo ra một lượng người hâm mộ mới. Nhưng đổi lại, lượng fan và thu nhập ở các thị trường truyền thống, giàu có hơn nhưng bị gạt ra ngoài danh sách 21 đường đua thường niên, lại giảm xuống.
Năm nay F1 sẽ trở lại Pháp lần đầu tiên sau cả một thập niên, khi trường đua Paul Ricard gần Marseille sẽ là một trong các địa điểm tổ chức giải Grand Prix ở Pháp. Vòng Grand Prix ở Đức cũng có thể trở lại sau khi đã nằm ngoài danh sách trong năm ngoái. Tuy nhiên cả hai thỏa thuận này đều do Ecclestone đàm phán và thông qua.
Liberty hiện đang đối mặt với thách thức đưa giải Grand Prix ở Anh vào lịch thi đấu. Đây là vòng đua F1 lâu đời nhất, bởi nó cũng là đường đua đầu tiên xuất hiện trên lịch khi khai trương vào năm 1950. Hoạt động đua xe F1 đã được tổ chức đều đặn ở trường đua Silverstone kể từ năm 1987, nhưng mọi chuyện đang có nguy cơ chấm dứt vào năm 2019, bởi các chủ sở hữu trường đua này quyết định hủy hợp đồng sớm trước 7 năm.
Động lực đằng sau quyết định của Silverstone được cho là do Liberty từ chối giảm mức phí tổ chức thường niên mà trường đua này phải nộp, lên tới 28,1 triệu USD. Quyết định được đưa ra bất chấp việc Tổng giám đốc điều hành trường đua Greg Maffei cam kết rằng Silverstone sẽ vẫn góp mặt trong lịch đua của giải F1.
“Nguồn gốc của giải đua xe F1 nằm ở Pháp và Anh. Vì thế chúng tôi rất tin tưởng và nỗ lực làm việc để đảm bảo rằng các địa điểm như trường đua Silverstone hay các trường đua của Pháp và Đức sẽ góp mặt trong lịch đua”, ông Maffei nói tại một cuộc hội thảo hồi năm ngoái.
Maffei nói như vậy bởi ông tin Liberty có những động cơ khác với Ecclestone. Ông trùm cũ của giải F1 rất hám tiền luôn đặt ra những câu hỏi kiểu như: “Tôi có thể thu lợi như thế nào? Người ta sẵn lòng trả trước bao tiền?” Ecclestone là lý do giải F1 đã có mặt tại những địa điểm như Baku ở Azerbaijan, nơi chính quyền chi một khoản tiền đậm để giải được tổ chức ở đó.
Nhưng việc chỉ chăm chăm chạy theo lợi nhuận không mang tới lợi ích lâu dài cho thương hiệu đua xe F1 cũng như sức khỏe của ngành này.

Trong mấy năm gần đây, giải đua xe F1 đã phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh lượng người xem.

Những tính toán từ phía nhà tổ chức
Forbes đánh giá dựa trên các bình luận của Maffei, sẽ là điều đặc biệt nếu nhà tổ chức vẫn quyết định mở một vòng đua xe F1 ở Việt Nam, bởi như Ecclestone đã nói, nơi đây không có bề dày lịch sử liên quan tới hoạt động đua xe.
Ngoài ra, Việt Nam không phải là thị trường chủ lực cho bất kỳ đội nào trong 10 đội đua chính của giải F1. Đó là chưa kể tới việc 7 trong 10 đội này đóng ở Anh và vì thế họ sẽ quan tâm hơn tới việc chặng đua ở Anh có được thêm vào lịch thi đấu không, hơn là việc bổ sung một đường đua mới.
Vì lý do tương tự, sẽ là hợp lý hơn nếu Liberty đầu tư vào các đường đua tại quê nhà, trên nước Mỹ, trước khi xem xét các trường đua mới nằm ở những khu vực khác trên thế giới. Nỗ lực đầu tư có thể cải thiện hấp lực của giải F1 tại một thị trường đã có thành tích được chứng minh như Mỹ và giúp tạo ra thêm những vòng đua mới ở đây.
Ngoài ra, việc bố trí đường đua nằm tập trung tại các điểm ở Mỹ và Anh có thể giúp giảm bớt chi phí, trong khi đường đua Grand Prix gần Hà Nội nhất cũng ở cách hơn 1.600km, tại Thượng Hải, Trung Quốc.
Tuy nhiên cũng phải tính tới một yếu tố là Liberty hiện đang rất cần tiền. Trong 12 tháng qua, hoạt động chi tiêu vào giải F1 đã tăng mạnh khi Liberty chuyển giải đua tới một văn phòng mới tinh ở London, tăng gấp đôi số nhân viên và tái tổ chức thương hiệu.
Forbes cho biết công ty còn đang đứng trước khả năng phải nộp tiền phạt nếu tiếp tục sử dụng logo hiện nay, do nó quá giống với một mẫu logo đã được tập đoàn 3M của Mỹ đăng ký bản quyền. Và khi chi phí đang tăng phi mã, doanh thu lại không tăng lên tương ứng, do Liberty chưa ký được bất kỳ thỏa thuận tài trợ, thỏa thuận bán bản quyền truyền hình hoặc thỏa thuận về đường đua lớn nào.
Khó khăn chưa dừng lại ở đó. Nằm khuất trong bản thông cáo báo chí được nhà tổ chức F1 công bố hồi đầu năm nay là thông tin cho thấy giải đua xe này đã bị giảm lượng người xem lên tới 40 triệu người vào năm 2016. Đây là mức giảm rất lớn, so với các tuyên bố được đưa ra trước đó.
Forbes chỉ ra rằng nhà tổ chức F1 đã sử dụng một hệ thống đo đếm lượng người xem mới và hệ thống này đã giảm bớt tổng lượng người xem giải F1 từ mức 390 triệu xuống mức chính xác hơn là 352,3 triệu. Phương thức thống kê mới cho thấy không có mức sụt giảm về lượng người xem giải F1 trong năm 2017. Nhưng trước đó, tính từ năm 2010, năm nào giải cũng bị giảm lượng người xem.
Ngay sau bản thông cáo nêu trên, F1 lại tiếp tục tung ra một thông cáo khác, lần này là về lượng người tới trường đua để trực tiếp xem đua xe, trong năm 2017. Forbes cho biết thông cáo đầy những tính toán sai cơ bản, nhưng được ban tổ chức giải thích là do “lỗi hệ thống”.
Sau đó, họ phải tung ra một thông cáo báo chí mới, nhưng dữ liệu mới cập nhật lại có xung đột với các con số do các nhà quản lý vòng đua đưa ra. Đơn cử như nhà tổ chức F1 nói rằng lượng người tới trường đua Grand Prix ở Azerbaijan đã tăng 138,2%. Tuy nhiên con số này cao hơn 4 lần so với số liệu do nhà tổ chức địa phương công bố.
Trong bối cảnh khó khăn, ký được một thỏa thuận với Việt Nam có thể giúp giảm bớt gánh nặng chi phí. Nhưng theo Forbes, con đường phía trước vẫn chưa có gì rõ ràng. Hợp đồng tổ chức giải F1 với nhà quản lý, Liên đoàn đua xe thế giới (FIA), cho phép Liberty bổ sung thêm 4 đường đua mới vào danh sách 21 đường đua hiện nay, nâng tổng số lên 25 đường đua.
Tuy nhiên hợp đồng F1 với từng đội đua nêu rõ rằng nếu có hơn 20 đường đua mỗi mùa, mọi sự thay đổi đều phải nhận được ủng hộ đa số từ 3 đội đua lớn là Ferrari, McLaren và Red Bull Racing.
Về điều này Liberty hiện đang nhận được sự ủng hộ từ phía McLaren và Red Bull Racing. Ferrari thì phản đối và còn đe dọa sẽ rời khỏi giải F1 vào cuối năm 2020, khi hợp đồng của đội với giải đua này hết hạn. Các đội còn lại ngoài 3 đội trên hiện có nhiều quan điểm khác nhau.
Các nguồn tin cao cấp tại vài đội đua nói rằng năm nay F1 có kế hoạch tổ chức 4 vòng đua tại Thượng Hải, Moskva, Berlin và Marseille. Hoạt động đi lại giữa những điểm này có thể là vấn đề lớn với không ít đội đua. Cần biết rằng đua xe F1 luôn hết sức đắt đỏ vì các đội đua phải trả tiền nhiên liệu, săm lốp phụ tùng và tiền thuê tài xế giỏi.
Kết quả từ vấn đề chi phí là có khả năng một số vòng đua sẽ có những đội từ chối tham dự. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là màn đối đầu mới nhất giữa ban tổ chức giải F1 và các đội xe. Có khả năng những cuộc đối đầu sẽ tăng thêm nhiều khi thời điểm hết hạn hợp đồng của các đội đang tới gần.
Sự bất ổn trong quan hệ không chỉ ảnh hưởng tới các đội đua, Liberty và danh tiếng giải F1 mà còn cả các nhà tổ chức vòng đua ở từng quốc gia. Họ đã dồn tâm sức để tổ chức các đường đua, nhưng tất cả hợp đồng của họ đều chỉ kéo dài tới năm 2020 và vẫn chưa được ký tiếp. Thực tế thì khi hợp đồng tổ chức giải Grand Prix Trung Quốc hết hạn hồi năm ngoái, nó chỉ được gia hạn thêm cho tới cuối năm 2020.
Hiện có 17 đường đua Xác nhận cấp 1 đang không tham gia tổ chức các vòng đua F1. Con số này chỉ là vừa đủ để tổ chức một mùa đua xe F1 mới. Nó cũng có nghĩa ban tổ chức F1 chẳng có nhiều lựa chọn ngoài việc sử dụng các đường đua hiện có và điều này khiến các nhà tổ chức địa phương sẽ có tiếng nói nhất định trên bàn đàm phán, nếu họ có chung lợi ích với nhau. Khi đàm phán lại với nhà tổ chức F1, mức phí chắc chắn sẽ là thứ đầu tiên họ nêu ra.
Mặc dù mức phí tổ chức một đường đua F1 nằm ở mức trung bình là 31,1 triệu USD, có một sự chênh lệch rất lớn về giá giữa các địa điểm khác nhau. Hiện đường đua Grand Prix ở Monaco có giá tổ chức thấp nhất, đơn giản vì nơi đây không phải đóng một xu tiền phí thường niên nào.
Trong khi đó, có những quốc gia như Azerbaijan và Bahrain đang phải trả khoản phí thường niên lần lượt là 37,5 và 63,2 triệu USD. Các khoản phí này đều do chính quyền những nước trên thanh toán, để đổi lấy việc quảng bá hình ảnh quốc gia trước hàng triệu khán giả xem truyền hình của giải F1.

Sẽ không có vòng đua Grand Prix Việt Nam trong năm 2019
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, Forbes dẫn nguồn tin riêng cho biết một đường đua F1 lẽ ra đã có thể được xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010, nhưng kế hoạch cuối cùng không thực hiện được. Năm 2016, trường đua xe đầu tiên ở Việt Nam chính thức khai trương. Trường đua mang tên Happyland nằm tại xã Thạnh Đức, Bến Lức tỉnh Long An, cách thành phố Hồ Chí Minh 30km.
Trường đua có quy mô 139.000m2 với sức chứa 25.000 khán giả. Nó có các đường đua phức hợp bao gồm 1,4km đường nhựa dành cho xe môtô; 1,1km đường offroad dành cho xe enduro, motocross và xe ATV, 400m đường đua tốc độ (drag); 7,5km đường đua dành cho ôtô rally cùng các vị trí dành cho sân tập Gymkhana, xe đạp và môtô cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên… Tuy nhiên tiêu chuẩn của đường đua này vẫn còn thấp hơn rất nhiều tiêu chuẩn Xác nhận cấp 1 của giải F1.
Khi chưa có một đường đua đạt tiêu chuẩn, chúng ta không thể mơ về việc giải đua xe này sẽ sớm vào Việt Nam. Và có một điều chắc chắn rằng sẽ không có một đường đua F1 nào xuất hiện ở đất nước chúng ta trong năm 2019, ít nhất là theo lời Sean Bratches, giám đốc quản lý các hoạt động thương mại của giải F1.
“Chúng tôi nghĩ rằng Hà Nội có thể vào danh sách trong mấy năm tới và tôi đang làm việc chặt chẽ với chính quyền để đạt được điều này,” ông Bratches nói thêm trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AP.
Trong cuộc phỏng vấn với AP, Bratches nói rằng lịch đua hiện nay của giải F1 không hiệu quả. “Chúng tôi đã tiếp nhận một tài sản không được quản lý tốt và dù đã 67 tuổi nhưng nó chẳng khác một hoạt động kinh doanh khởi nghiệp là bao”, ông nói.
Nhận xét của Bratches không hẳn là vô lý. Các vòng đua đầu mùa năm nay diễn ra ở Australia và Trung Quốc, bên cạnh Bahrain ở Trung Đông, vốn là những địa điểm chẳng gần nhau cho lắm. Ở giữa mùa, trong khi đa số vòng đua diễn ra ở Châu Âu, các đội lại phải bay tới Canada để tham gia một vòng đua Grand Prix ở đây.
Vào cuối mùa, ngoài ba vòng đua ở Mỹ, Mexico và Brazil, các đội lại phải bay ngược về Abu Dhabi, một địa chỉ nằm ở Trung Đông, để tham dự một vòng đua khác.
Theo giới chuyên gia, các thay đổi lớn như thêm một đường đua mới ở Việt Nam khó có thể diễn ra cho tới khi kết thúc mùa giải 2020. Đây là khi nhiều quy định và hợp đồng hiện hành sẽ hết hạn và các chủ nhân mới của giải F1 đang tìm cách chia đều thu nhập để các đội nhỏ hơn cũng có thể tham gia tranh tài.
Có tin nói Việt Nam sẽ phải trả từ 50 – 60 triệu USD tiền phí thường niên và tiền sẽ chảy ra từ ngân sách nhà nước. Đây không phải là điều gì quá bất thường. Bratches cho biết 19/21 vòng đua F1 hiện đang nhận tiền tài trợ từ các chính quyền. “Tiền phí tổ chức vòng đua do chính quyền cấp là một mô hình đã hoạt động tốt theo chiều dài lịch sử”, ông nói.

Theo: laodong.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024