Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy thử vào tháng 8
Ông Thể cũng yêu cầu Ban quản lý dự án phối hợp với Hà Nội đào tạo chuyên gia, cán bộ, nhân viên để “vận hành tàu được trơn tru, hiệu quả cao”; phối hợp với Hội đồng nghiệm thu nhà nước tiếp cận hồ sơ để giám sát dự án.
Lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, dự án còn nhiều hạng mục bị chậm như các nhà ga, kết nối, quy trình nghiệm thu, kiểm định vận hành an toàn hệ thống.
“Việc nghiệm thu đánh giá an toàn của hệ thống phải đặc biệt chú trọng từ khâu kiểm tra thiết kế đến thực tế để đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu cho người và phương tiện”, Bộ trưởng Thể yêu cầu.
Trước đó trong báo cáo của Bộ Giao thông gửi Chính phủ, tàu Cát Linh – Hà Đông sẽ chạy thử tàu trên toàn tuyến từ ngày 2/9.
Trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, tàu điện được chạy thử không tải để căn chỉnh tổng hợp trên tuyến đường sắt. Tùy thuộc vào kết quả chạy thử, cơ quan chức năng sẽ quyết định thời điểm đưa tàu vào khai thác thương mại.
Theo Ban quản lý, dự án đã hoàn thành hơn 95% khối lượng (chưa bao gồm phần thiết bị). Toàn bộ 13 đoàn tàu đã được đưa về công trường, 60% thiết bị thu soát vé tự động, công nghệ khu depot, cấp điện đã được nhập khẩu.
Về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành báo cáo nghiên cứu để trình Chính phủ vào cuối năm, phấn đấu trình Quốc hội vào năm 2019. Ngoài ra, Bộ Giao thông sẽ tổ chức các hội thảo để tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện trước khi trình Chính phủ.
“8 năm trước chúng ta đã trình đường sắt tốc độ cao song không được Quốc hội thông qua, lần này chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn trước”, Bộ trưởng Thể nói.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri hai quận Thanh Xuân và Hà Đông (TP Hà Nội), ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội cho biết sẽ đưa tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông vào vận hành trong năm 2018.
“Về dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, đã chạy thử rồi. Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội cũng quyết tâm là trong năm 2018 này sẽ đưa vào vận hành. Đây là lần đầu tiên Việt Nam làm dự án đường sắt vận hành chạy trên cao, nên cần phải có thời gian và phải hết sức chú ý, không để xảy ra sơ sẩy”, ông Sửu nói.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2018, xuất hiện một số thông tin cho rằng tiến độ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại một lần nữa vỡ kế hoạch, phải lùi lại đến năm 2021. Thông tin này khiến nhiều người thất vọng bởi dự án đã lùi tiến độ và đội vốn nhiều lần.
Tuy nhiên, trả lời báo chí, đại diện Bộ GTVT khẳng định tiến độ tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông được giữ nguyên đến cuối 2018. Thông tin lùi đến 2021 là không chính xác.
Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, dự án đường sắt thông tin hiện nay dự án đã hoàn thiện được hơn 95% khối lượng công việc, 80% thiết bị đã được nhập về để lắp đặt, hoàn thiện các nhà ga.
Ngoài ra, công tác đào tạo nhân sự cũng đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông ngay khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động.
Dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông từng bị chậm trong một thời gian do chậm được cấp nguồn vốn bổ sung hơn 250 triệu USD.
Tuy nhiên, đến tháng 12/2017, các thủ tục đã được tháo gỡ xong, vốn đã được giải ngân cho các nhà thầu tiếp tục triển khai và thực hiện đúng tiến độ đề ra.
Nguyễn Mai