ISSN-2815-5823
Thứ ba, 02h18 12/03/2019

Đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi: Điều chỉnh vốn tăng gấp đôi

(KDPT) – Bộ Giao thông vận tải vừa được khởi động lại dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội chặng Ngọc Hồi – Yên Viên. Đáng chú ý, dự án này được đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 3,5 tỷ USD, nghĩa là tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu.

Phối cảnh ga trung chuyển và tổ hợp depot tại Ngọc Hồi.

Dự án này được khởi động vào năm 2008, tuy nhiên sau bê bối hối lộ năm 2014, dự án phải tạm dừng. Mới đây Bộ Giao thông vận tải đã có tờ trình lên Thủ tướng về việc thực hiện kế hoạch dự án và đồng thời xin cơ chế tài chính cho tuyến này.

Theo thiết kế, dự án đường sắt đô thị số 1 Hà Nội đoạn Yên Viên – Ngọc Hồi có tổng chiều dài 26 km và sử dụng đồng thời hai khổ ray là 1.000mm và 1.435mm. Như vậy, với hai khổ ray này sẽ phù hợp với các tàu đang vận hành tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, với việc xây dựng tuyến Ngọc Hồi – Yên Viên, ga Hà Nội hiện nay sẽ có một vai trò khác. Theo đó tại ga Ngọc Hồi sẽ là nhà ga trung chuyển và tổ hợp phục vụ tuyến đường này. Còn ga Hà Nội sẽ đóng vai trò là ga trung chuyển.

Về tiến độ thực hiện, trước mắt sẽ xây dựng ga Ngọc Hồi, sau đó từ năm 2021-2026 sẽ thi công từ Ngọc Hồi đến ga Hà Nội để kết hợp cả tàu Bắc – Nam nhằm mục đích giảm ách tắc giao thông cho Thủ đô. Dự án cũng đồng thời xây mới một cây cầu vượt sông Hồng nhằm thay thế cho cầu Long Biên hiện nay.

Về vốn cho dự án, theo như phê duyệt từ năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ, dự án này được tách làm hai gia đoạn riêng biệt. Ở giai đoạn 1 sẽ xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi, Giáp Bát – Gia Lâm. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng đoạn Ngọc Hồi – Giáp Bát và Gia Lâm – Yên Viên. Tổng vốn được phê duyệt cho giai đoạn 1 là 19.460 tỷ đồng trong đó có 13.973 tỷ vốn của Nhật Bản. Ở giai đoạn hai, dự án tiếp tục được chia làm hai phần riêng biệt bao gồm Ngọc Hồi – Giáp Bát (IIA) và Gia Lâm – Yên Viên (IIB). Tổng vốn cho hạng mục IIA là 24.825 tỷ.

Với hạng mục IIB bao gồm cả cầu vượt sông Hồng, theo Bộ Giao thông vận tải số vốn cần để triển khai là hơn 32 nghìn tỷ.

Như vậy tính tổng cả dự án (bao gồm cả cầu vượt sông Hồng), tổng mức đầu tư rơi vào khoảng 81.537 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD. Số tiền này là gấp đôi so với dự tính ban đầu.

Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vốn đối ứng để Bộ này triển khai thực hiện phải phóng mặt bằng và có thể triển khai ngay Khu tổ hợp Ngọc Hồi. Theo đó, nhu cầu vốn giải phóng mặt bằng là 2.310 tỷ đồng, nhưng giai đoạn 2009-2017 mới bố trí 388 tỷ đồng.

Trong khi giai đoạn 2016-2020 được bố trí 512 tỷ đồng, vẫn chưa đủ tổng số vốn để hoàn thành giải phóng mặt bằng vào năm 2020, ảnh hưởng tiến độ hoàn thành giai đoạn I vào năm 2024.

Đức Minh



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/09/2024