Hội nghị Quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”, do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch đầu tư và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức sáng 15/3 tại Hà Nội, đã đánh giá toàn diện kết quả cải thiện môi trường kinh doanh trong các năm từ 2014 – 2017. Qua đó thảo luận về kết quả cải cách với những vấn đề còn tồn tại đồng thời tìm kiếm các giải pháp triển khai có hiệu quả Nghị quyết 19 của Chính phủ.
Nhận định tại hội nghị cho thấy, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng tăng trưởng là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược về thể chế mà trong đó là cải cách quy định, thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh.

Hội nghị Quốc tế “Cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh nhằm nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng”.

Các đại biểu tham dự hội nghị có cùng chung đánh giá, Nghị quyết 19 đã đặt mục tiêu về chất lượng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng toàn cầu; đồng thời xây dựng và thực hiện hệ chính sách tương ứng theo thông lệ quốc tế. Cách tiếp cận mới của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao, tích cực ủng hộ và tham gia thực hiện, tạo cơ sở để đo lường và theo dõi được mức độ cải thiện và khoảng cách về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh so với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt trong 4 năm gần đây, thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam liên tục được cải thiện, riêng trong năm 2017 tăng 14 bậc (từ vị trí 82 lên vị trí 68) là mức cải thiện thứ hạng nhiều nhất kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn rất lớn chưa được khai thác, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân. Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam vẫn còn kém vì một số thủ tục, trong khi đó, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng của doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, chi phí không chính thức của doanh nghiệp vẫn chiếm đến 10%.
Từ những kinh nghiệm quốc tế về cải cách môi trường kinh doanh, bà Catherine Masinde, Trưởng nhóm tư vấn toàn cầu về các quy định kinh doanh – Ngân hàng Thế giới cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy có cải thiện nhưng khung trách nhiệm giải trình vẫn chưa cao.
Do vậy, Việt Nam cần thiết lập quy chế giải trình cho các cơ quan Chính phủ, trong đó có liên kết chặt chẽ với Nghị quyết 19 cũng như áp dụng trực tiếp đến các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tuân thủ theo một hệ thống luật pháp. Vì hiện nay, tính thực thi tại nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thực sự đầy đủ qua việc phản hồi từ khu vực kinh tế tư nhân.

PV