Để giữ nhịp cho năm 2023, thì quan trọng là nhận biết những vấn đề đang đặt ra và tập trung xử lý. Trước hết, đó là vấn đề tổng cầu giảm. Hiện nhiều nước trên thế giới đã và đang áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để đối phó với lạm phát. Do đó, nhiều nước sẽ suy giảm tăng trưởng. Việt Nam lại là nước kí kết nhiều FTA, nền kinh tế có độ mở lớn, do đó tình trạng suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nước ta. Thứ hai, sự căng thẳng về thanh khoản có thể vẫn là một vấn đề rất lớn. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với tình trạng dòng tiền bị cạn kiệt. Tiền đối với sản xuất, kinh doanh cũng như máu đối với cơ thể con người. Thiếu thanh khoản, nhiều doanh nghiệp đang bị đẩy vào tình trạng “chết lâm sàng”. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm 2023. Thứ ba, sự trì trệ của thị trường bất động sản. Tăng trưởng của thị trường bất động sản vừa qua phần lớn là cầu đầu tư và đầu cơ. Khi thị trường trì trệ, thì cầu này sẽ suy giảm một cách hết sức nhanh chóng. Cầu giảm thì có sản phẩm cũng khó lòng bán được cho ai. Đây có lẽ cũng là một nguyên nhân làm cho thanh khoản trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, cầu đầu tư bất động sản còn bị suy giảm bởi chính sách đánh thuế cao đối với những người có nhiều nhà, đất. Nhà đầu tư đang có nhiều băn khoăn với chính sách này, do đó khó có nhà đầu tư nào, đặc biệt là nhà đầu tư tư nhân dám xuống tiền mua bất động sản. Thứ tư, sự trì trệ và né tránh trách nhiệm của bộ máy công vụ. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp làm cho cuộc khủng hoảng trái phiếu doanh nghiệp vừa qua trở nên trầm trọng hơn. Thực tế, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản thường huy động vốn qua trái phiếu để triển khai các dự án của mình. Theo thông lệ, thời gian để hoàn thành các thủ tục pháp lý cho một dự án mất khoảng trên dưới 2 năm. Các doanh nghiệp đã căn cứ vào tiến độ này mà phát hành trái phiếu để huy động vốn. Nhưng lần này, vốn đã huy động xong, mà thủ tục pháp lý cho các dự án kéo dài đã tới 3-4 năm vẫn không xong. Trong lúc đó, vốn trái phiếu đắt hơn vốn tín dụng rất nhiều, huy động vốn xong rồi mà không đưa vào sản xuất, kinh doanh được, thì lấy tiền đâu mà trả cả gốc lẫn lãi cho trái chủ? Nhiều doanh nghiệp đã xé rào, đầu tư sai mục đích. Ngoại trừ một vài doanh nghiệp dùng vốn trái phiếu để thao túng thị trường, đa số các doanh nghiệp đầu tư sai mục đích quả thực chỉ là để giảm bớt thua lỗ. Thế nhưng, đầu tư sai mục đính lại là vi phạm pháp luật và bị xử lý. “Dùi đánh đục, đục đánh khăng”. Khi các doanh nghiệp bị xử lý, thì niềm tin đối với trái phiếu doanh nghiệp bị tổn hại. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng vì đó mà bị tổn hại theo. Phản ứng chính sách đối với các vấn đề trên nên như thế nào? Với Chính phủ kỹ trị hiện nay, các giải pháp hữu hiệu chắc chắn sẽ được đề ra. Dưới đây phải chăng là một vài định hướng chính. Trước hết là phải quan tâm xử lý vấn đề tổng cầu giảm. Phản ứng chính sách quan trọng nhất để tăng tổng cầu có lẽ vẫn phải là đẩy mạnh đầu tư công. Ngoài ra, chương trình xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp có vẻ sẽ là một mũi tên trúng nhiều mục đích ở đây: Góp phần nâng tổng cầu; Giải quyết một vấn đề xã hội rất lớn của đất nước; Cứu giúp thị trường bất động sản khỏi tình trạng suy giảm và trì trệ hiện nay. Thứ hai, coi bảo đảm thanh khoản là chính sách quan trọng nhất và là nhiệm vụ cấp bách cần tập trung xử lý. Một chuyên gia về tài chính, ngân hàng cho rằng, để bảo đảm thanh khoản, quan trọng là phải nâng lãi suất. Tuy nhiên, không phải nâng lãi suất đồng loạt. Cách làm phù hợp là nâng lãi suất nói chung, nhưng có chính sách lãi suất ưu đãi cho các ngành và các doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Thứ ba, tiếp tục cải cách nền công vụ, mà trước hết là thúc đẩy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Khi các cán bộ, công chức đều sợ phải chịu trách nhiệm một cách quá đáng như hiện nay, thì điều quan trọng là phải bảo đảm sự an toàn pháp lý cho họ. Để làm được điều này, cần nhanh chóng thể chế hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về việc “Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”. Các hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán, xét xử cũng cần được cải thiện theo tinh thần của Kết luận nói trên.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội