» Góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

Chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội là có lỗi lớn với các thế hệ tiền bối đã giành được những thắng lợi vẻ vang chấn động địa cầu: 9 năm làm được một Điện Biên Phủ, 20 năm đánh thắng quân xâm lược Mỹ, thống nhất đất nước; Đến nay đất nước ta qua 44 năm xây dựng và phát triển vẫn chưa đạt mục tiêu hiện đại hóa. Có phải nguyên nhân gốc là ý thức hệ không? Không hẳn, nếu ta cùng ý thức hệ với Trung Quốc thì tại sao Trung Quốc trong hơn 30 năm qua đã phát triển vượt bậc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới, trở thành một cường quốc về khoa học và công nghệ hàng đầu thế giới, còn ta thì chưa thoát khỏi nền kinh tế gia công lao động rẻ.

So sánh về GDP/người, tính theo sức mua tương đương (PPP) giá đô la cố định 2011, thì năm 1990 Việt Nam 1523 đô la, Trung Quốc 226 đô la (tương đương); nhưng sau đó sự khác biệt cứ giãn xa: năm 2000, Việt Nam 2502 đô la; Trung Quốc 3700 đô la (gấp 1,44 lần); năm 2017 Việt Nam 6172 đô la; Trung Quốc 15309 đô la (gấp 2,48 lần). Trung Quốc không vì ý thức hệ mà đặt lợi ích dân tộc trên hết, vì giấc mộng Trung Hoa, đã bất chấp “họ tư hay họ xã”, ra sức học hỏi phương thức phát triển mới của thế giới trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ mới và đã rất thành công. Nếu ta không lo ngại chệch hướng, mạnh dạn mới theo tinh thần Đại hội VI thì nước ta nay cũng đã rút ngắn đáng kể khoảng cách với các nước.

Thêm nữa, GDP không phản ánh được thực trạng nền kinh tế. Thực trạng nền kinh tế nước ta rất kém hiệu quả, năng suất và chất lượng, lãng phí thất thoát rất lớn, cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, vẫn nặng về khai thác tài nguyên với nhân công rẻ. Văn hóa xã hội xuống cấp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng, các tệ nạn tham nhũng quan liêu mặc dù chống quyết liệt, nhưng vẫn tiếp diễn; dân còn nhiều bức xúc, giảm sút niềm tin…. Đổi mới chậm chạp, chưa tạo được động lực cho sự phát triển đột phá, cất cánh đi lên.

Đại hội XII đã yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện và triệt để, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII đã có một số đổi mới về thể chế kinh tế, cải cách hành chính, mô hình kinh tế, nhưng chậm so với yêu cầu; nạn tham nhũng vẫn tiếp diễn tinh vi phức tạp, lại có nhiều vấn đề mới phát sinh do hệ thống quản lý chưa phù hợp với yêu cầu phát triển, còn nhiều rào cản phải tháo gỡ. Cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những yếu kém của kinh tế – xã hội, để có giải pháp tạo động lực cho sự phát triển đột phá. Nếu không đổi mới triệt để tức cải cách thể chế, đổi mới mô hình phát triển thì đất nước còn tụt hậu dài và dễ trở thành lệ thuộc.

Thế giới đang diễn ra Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là bước chuyển biến trọng đại từ nền văn minh công nghiệp lên nền văn minh trí tuệ. Một thế giới đầy biến động khó lường. Ta đang đứng giữa cuộc tranh chấp xung đột của các khối, các cường quốc, chủ quyền quốc gia đang bị thách thức.

Một sự lựa chọn lịch sử đang đặt ra: Để vượt qua những thách thức Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh, bằng phát huy tiềm năng trí tuệ của dân tộc, chuyển mạnh sang phương thức tiên tiến – phát triển dựa vào tri thức và sáng tạo, tiến cùng thời đại, để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm ngày độc lập, có thể sánh vai cùng quốc năm châu, như Bác Hồ mong ước. Một cuộc cải cách triệt để là mệnh lệnh cuộc sống phải được nhận thức bởi mọi tầng lớp xã hội, mỗi người dân.

Hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kinh doanh và Phát triển đăng tải các ý kiến đóng góp cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, nhằm tập hợp trí tuệ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng và đất nước; thông qua đó, phát huy dân chủ trong Đảng và toàn xã hội, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, toàn dân; giúp các cấp ủy nắm được xu hướng tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

GIÁO SƯ ĐẶNG HỮU

*Trích tham luận tại Hội thảo khoa học “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong điều kiện mới” (Tham gia góp ý hoàn thiện Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng).