Ảnh minh họa

Hiện nay, các nước ASEAN đã đạt tiến bộ trong lĩnh vực đổi mới và công nghệ, tuy ở mức độ không đồng đều và được thực hiện ở cách thức khác nhau, ví dụ trong vấn đề băng thông rộng, công nghệ 4G, nghiên cứu và phát triển (R&D), bằng sáng chế và bảo mật mạng. Tuy nhiên, khoảng cách về vốn nhân lực giữa và trong các nước ASEAN vẫn còn tồn tại đáng kể.

Do vậy, những lĩnh vực cần chú trọng để nâng cao mức độ sẵn sàng ASEAN trước CMCN 4.0, bao gồm: Đảm bảo cơ sở hạ tầng vững chắc; cải thiện khung pháp lý; giải quyết các nhu cầu về kỹ năng; tham gia của các bên có liên quan; tăng cường hợp tác khu vực và phối hợp chéo giữa các trụ cột của ASEAN tập trung vào ba nội dung cụ thể: Thứ nhất, phối hợp giữa các lĩnh vực then chốt bao gồm lĩnh vực của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) như khoa học và công nghệ, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng…; thứ hai, phối hợp giữa cơ quan liên quan của ASEAN như: Nhóm đặc trách cấp cao về kinh tế (HTLF-EI), Hội nghị quan chức kinh tế (SEOM), Ủy ban Khoa học và công nghệ (COST), Nhóm công tác về hợp tác sở hữu trí tuệ ASEAN (AWGIPC)…; thứ ba, sử dụng công cụ liên kết giữa các nhà hoạch định chính sách, cơ quan nghiên cứu, khu vực tư nhân, xã hội dân sự…

Đối với Việt Nam, nước ta đã bắt đầu chú trọng nâng cao năng lực, chuẩn bị cho CMCN 4.0. Ngày 5/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường khả năng tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Chỉ thị yêu cầu các cấp chính quyền tập trung vào: Phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực ICT; cải thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh; đề xuất, xây dựng và đánh giá các chiến lược và kế hoạch hành động phù hợp với CMCN 4.0; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; thay đổi chính sách, nội dung và phương pháp giáo dục và dạy nghề để tạo ra nguồn nhân lực có khả năng theo xu hướng sản xuất công nghệ mới; nâng cao nhận thức của lãnh đạo cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và xã hội về CMCN 4.0. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 844/QĐ-TTg về Dự án hỗ trợ hệ sinh thái khởi động và đổi mới quốc gia vào năm 2025, Kế hoạch băng thông rộng năm 2020 để phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, thúc đẩy sử dụng công nghệ thông tin cho Chính phủ điện tử, thương mại điện tử và phòng, chống thiên tai.

Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã ban hành Quyết định số 4246/ QĐ-BCT để thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo công nghệ tài chính (Fintech). Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) với số vốn 47 triệu USD (một nửa dành cho nghiên cứu khoa học và công nghệ).

Việt Nam đã và đang nỗ lực nắm bắt các cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại; kêu gọi sự hợp tác tích cực trong ASEAN cũng như hợp tác với đối tác bên ngoài về vấn đề này.

Theo báo Công thương