Loạt “ông lớn” địa ốc trong và ngoài nước tìm về đầu tư

Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), những tỉnh thành đang được xem là vẫn còn sôi động và vẫn thu hút các nhà đầu tư tìm đến để hoạt động kinh doanh hiện nay gồm: TP HCM, một số khu vực của Hà Nội, Bình Định, Phú Yên, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc,…

Đây là những địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch đã có chủ trương phát triển phù hợp, đúng hướng và đã được đầu tư phát triển hạ tầng để khai thác hiệu quả lợi thế địa phương. Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh lớn thứ 5 cả nước về diện tích tự nhiên, thứ 3 về quy mô dân số, với nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, logistics, du lịch,…

Với những lợi thế sẵn có, trong những năm trở lại đây Thanh Hóa đã hút nhiều doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực bất động sản tìm về đầu tư. Đơn cử như Tập đoàn Vingroup có dự án Vincom Thanh Hóa (gần 4 ha), Vinhomes Star City (120 ha). Hay Quần thể Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En tại huyện Như Thanh (hơn 16.000 ha), Khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (hơn 1.260 ha), Khu đô thị Đông Nam (1.500 ha),…của Tập đoàn Sun Group.

Phối cảnh dự án Vinhomes Star City được Tập đoàn Vingroup đầu tư tại Thanh Hóa.

Ngoài ra còn có Tập đoàn FLC với Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn Beach & Golf Resort (300 ha), KĐT du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn 117 ha) và Tập đoàn Flamingo có Quần thể đô thị du lịch nghỉ dưỡng Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) quy mô hơn 400 ha,…

Không chỉ hút vốn đầu tư trong nước mà thời gian qua Thanh Hóa còn là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp nước ngoài. Điển hình như mới đây, Tập đoàn Foxconn cũng đã chấm ba địa điểm để đặt nhà máy tỷ đô sản xuất linh kiện, thiết bị cho ông lớn công nghệ Apple , bao gồm: Khu kinh tế Nghi Sơn, Khu công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, Khu công nghiệp tại huyện Thiệu Hóa.

Được biết trong năm 2020, UBND tỉnh Thanh Hóa và Công Ty TNHH AEON Việt Nam cũng đã ký kết bản ghi nhớ về việc thực hiện đầu tư Dự án trung tâm thương mại Aeon Mall vốn đầu tư là 190 triệu USD.

Sang năm 2021, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ với CTCP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu (Ashico) và các đối tác về Dự án đầu tư Trung tâm Logistics Bắc Trung Bộ và xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 6 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cụ thể, Ashico và các công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết đang mong muốn thực hiện đầu tư dự án trên với quy mô khoảng 395 ha, bao gồm 370 ha đất công nghiệp thuộc Khu công nghiệp số 6 – Khu Kinh tế Nghi Sơn và 25 ha đất cảng, với tổng vốn đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, địa phương này đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty WHA Industrial Development PLC (Thái Lan) về việc đầu tư hai dự án hạ tầng khu công nghiệp. Dự án đầu tiên là xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp số 21 quy mô 539 ha, thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn. Dự án 2 là đầu tư xây dựng hạ tầng phân khu công nghiệp của Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Phú Quý, quy mô dự kiến 800 ha tại huyện Hoằng Hóa. Dự kiến tổng mức đầu tư cả hai dự án khoảng 335 triệu USD.

Giá nhà đất tăng gấp đôi, gấp ba

Được đánh giá là thị trường đi sau, tuy nhiên bất động sản Thanh Hóa lại cực kỳ sôi động trong những năm gần đây. Đặc biệt là 2019 khi xuất hiện rất nhiều dự án mới, trong đó có rất nhiều các dự án đấu giá đất nền trên địa bàn tỉnh.

Sang đến năm 201, giá đất Thanh Hóa lại có dấu hiệu tăng “phi mã” trước thông tin quy hoạch, và thông tin loạt dự án nghìn tỷ sắp được đầu tư. Đỉnh điểm là kể từ sau Tết Nguyên đán 2021 giá đất tăng trung bình khoảng 50 – 60% so với cuối năm 2020. Chủ yếu diễn ra ở phân khúc đất nền tại các khu vực lân cận TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các khu vực đang quy hoạch các dự án lớn. Trong đó phải kể đến khu vực dự án khu du lịch Bến En, huyện Như Thanh.

Còn giá đất tại các mặt bằng đô thị, ven biển Thanh Hóa đều dao động trong khoảng 12 – 15 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, cao gấp 2 – 3 lần so với giá thị trường cùng kỳ năm trước và cao gấp nhiều lần so với giá đất quy định của Nhà nước.

Trước tình trạng giá đất bất ngờ tăng, lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh lại giá đất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, vừa qua UBND tỉnh này đã ban hành Văn bản số 4692 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Văn bản số 4692 của UBND tỉnh Thanh Hoá về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, công văn có nêu rõ, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 8166/UBND-CN ngày 28/6/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần ổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm (nếu có),… tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Ngoài ra Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý một số yêu cầu đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản; các tổ chức, cá nhân, kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; các sàn giao dịch bất động sản; Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thương mại, đất nền tại các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

Được biết trong năm 2021 Thanh Hóa sẽ tiếp tục phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất cho 864 dự án với tổng diện tích đất quy hoạch là 1.676,2 ha. Trong đó, tổng diện tích đất thực hiện đấu giá là 748,23 ha. Đơn cử như, hồi đầu tháng 4/2021, tại xã Xuân Sinh (huyện Thọ Xuân), địa phương này tổ chức 2 đợt đấu giá tổng 46 lô đất tại Khu dân cư Đồng Vũng Cao.

Trong đó, đợt đấu giá lần thứ nhất với 23 lô có tới hơn 1.000 hồ sơ của hơn 400 người tham gia đấu giá. Đợt đấu giá lần thứ 2 với 23 lô có hơn 300 hồ sơ của hơn 100 người tham gia đấu giá. Song, chỉ 8 người trúng đấu giá 46 lô đất và đều là người ở xa đến. Giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô nhưng được đấu lên mức từ 1 tỷ đồng đến hơn 1,4 tỷ đồng/lô.

Còn nhớ thời điểm cuối năm 2020, tại xã Quảng Hùng (TP. Sầm Sơn) đấu giá 43 lô đất với giá loại 1 là 18 triệu đồng/m2; đất loại 2 rơi vào khoảng 8 – 9 triệu đồng/m2. Nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất đã tăng lên khoảng hơn 60 – 70%. Tại các phường Trung Sơn, Quảng Vinh, Quảng Châu, Quảng Tiến (TP. Sầm Sơn), giá đất tăng như “lên đồng” 40 – 60 triệu đồng/m2. Giá đất phi mã khiến người người, nhà nhà đua nhau ôm đất.

QUANG ANH