LTS. Dân tộc ta luôn kiên định tinh thần độc lập, tự chủ, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc. Đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước và nay là phát triển bền vững đất nước của dân tộc ta. Hội nghị Paris diễn ra cách đây hơn 40 năm, là dấu son thắng lợi, có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử Việt Nam, là minh chứng cho tinh thần đó. Chính sách ngoại giao cách mạng của Việt nam đã thể hiện được bản lĩnh và sự xuất sắc của mình. Hội nghị Paris cũng là nơi ghi dấu ấn của những nhà ngoại giao tài ba của Việt Nam. Có thể khẳng định, Hiệp định Paris được ký kết, thắng lợi của ngoại giao trên bàn đàm phán chính là bài học về ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc và tinh thần đoàn kết quốc tế. Nhân dịp Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 14/12, Kinh doanh và Phát triển trân trọng giới thiệu bài viết “Hiệp định Paris và dư luận quốc tế” của PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (Viện Lịch sử Đảng) về những diễn biến của Hội nghị Paris năm 1973, qua đó thấy được sức mạnh ngoại giao nhân dân của Việt Nam đã ghi dấu son trong lịch sử cách mạng và ngoại giao Việt Nam. Đây là một trong những hoạt động ngoại giao to lớn, quan trọng nhất của Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, thu hút sự chú ý của dư luận thế giới.

Sau 4 năm 8 tháng 16 ngày, với hàng trăm cuộc họp chính thức và các cuộc gặp riêng, cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam khai mạc ngày 13-5-1968, đã kết thúc với việc các bên ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đây là cuộc đàm phán maratông kéo dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, ban đầu chỉ có đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, từ 25-1-1969 trở đi có thêm đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Cộng hòa. Đây là cuộc đàm phán diễn ra vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã và đang giành được những thắng lợi quan trọng có ý nghĩa quyết định. Tuy có nửa triệu quân chiến đấu ở miền Nam Việt Nam nhưng chính quyền của Tổng thống Giôn xơn đã phải công khai thừa nhận Mỹ không thể thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tranh này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quyết tâm chiến đấu vì độc lập, tự do của toàn quân, toàn dân trên cả hai miền Nam, Bắc, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân vào tất cả các thành phố, thị xã, căn cứ quân sự, kho tàng, sân bay, bến cảng, đường giao thông chiến lược của Mỹ và chính quyền, quân đội Việt Nam Cộng hòa trên phạm vi toàn miền Nam trở thành một đòn đánh trí mạng vào ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ. Trong bối cảnh đó, việc Mỹ buộc phải đề nghị đàm phán, ngồi vào bàn thương lượng không kèm theo điều kiện tiên quyết, buộc phải xuống thang chiến tranh trên cả hai miền Nam, Bắc, bắt đầu quá trình “phi Mỹ hóa cuộc chiến tranh”, rút quân Mỹ về nước, là điều tất yếu. Chủ trương vừa đánh vừa đàm của Đảng đã được quán triệt cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán, trong đó hoạt động quân sự trên chiến trường đóng vai trò quyết định, hỗ trợ đắc lực cho đấu tranh ngoại giao trong suốt thời gian diễn ra đàm phán.

Quang cảnh ngày khai mạc Hội nghị Quốc tế về Việt Nam tại thủ đô Paris, Pháp. (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Vào giai đoạn cuối cuộc đàm phán, ngày 8 tháng 10 năm 1972, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ động đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nội dung bản dự thảo phản ánh đề nghị 10 điểm của Đoàn đại biểu VNDCCH đưa ra ngày 26/9/1972 và đề nghị 10 điểm của Đoàn đại biểu Hoa Kỳ đưa ra ngày 27/9. Trong bản dự thảo, Đoàn VNDCCH đã đưa ra những nhượng bộ quan trọng liên quan đến vấn đề chính trị nội bộ ở miền Nam như tạm gác yêu cầu xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, gạt bỏ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; tập trung giải quyết vấn đề ngừng bắn, vấn đề Mỹ rút quân, vấn đề trao trả tù binh… nhằm tháo gỡ bế tắc cho cuộc đàm phán.

Chính quyền Mỹ buộc phải công khai thừa nhận thái độ thiện chí của phía VNDCCH, coi đây là một sự kiện mở ra một trang mới trong quá trình thương lượng, mở ra cơ hội thực tế để sớm đi đến ký kết Hiệp định. Các bên đàm phán, chủ yếu là VNDCCH và Mỹ, đã cơ bản thống nhất các vấn đề chủ yếu trong bản dự thảo phía Việt Nam đưa ra và đã thỏa thuận một lịch trình cụ thể để ký kết Hiệp định vào cuối tháng 10 năm 1972.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã lật lọng các nội dung đã thỏa thuận. Kết quả thăm dò dư luận cử tri Mỹ trước bầu cử cho thấy khả năng đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2 của Ních xơn tăng lên kể cả trong trường hợp chưa ký Hiệp định. Vì vậy, lấy lý do chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phản đối các nội dung Hiệp định, phía Mỹ đưa ra yêu cầu đề nghị sửa đổi hàng chục nội dung đã thỏa thuận trong dự thảo, kể cả lật lại vấn đề yêu cầu bộ đội miền Bắc rút khỏi miền Nam mà trước đây phía Mỹ đã chấp nhận, không phản đối. Trước những đòi hỏi vô lý của phía Mỹ, đoàn VNDCCH kiên quyết phản đối. Trước tình hình đó, Tổng thống Mỹ Ních xơn đã quyết định thực hiện cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất bằng máy bay chiến lược B52 vào thủ đô Hà Nội, thành phố cảng Hải Phòng và nhiều địa phương khác trên miền Bắc, nhằm buộc Việt Nam phải khuất phục trước sức mạnh quân sự tàn bạo của Mỹ, phải chấp nhận các điều khoản do Mỹ đưa ra. Tuy nhiên, Mỹ đã thất bại thảm hại. Quân và dân Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các địa phương khác trên miền Bắc đã kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, tìm ra cách đánh phù hợp, hiệu quả, bắn rơi hàng chục pháo đài bay B.52, khiến không quân chiến lược Mỹ bị tổn thất nặng nề nhất từ trước cho tới thời điểm đó. Chính quyền Mỹ buộc phải ký Hiệp định với các điều khoản hầu như không có sự thay đổi so với bản dự thảo hồi tháng 10 năm 1972 do phía Việt Nam đưa ra.

Việt Nam đã kiên trì, kiên quyết và đạt được các nội dung, nguyên tắc cơ bản trong Hiệp định, đó là: Mỹ và các nước khác cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; Mỹ chấm dứt chiến tran xâm lược, chấm dứt sự dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam; tôn trọng quyền tự quyết và đảm bảo các quyền tự do, dân chủ của nhân dân miền Nam; nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị của mình thông qua cuộc tổng tuyển cự thật sự tự do, dân chủ. Mỹ phải thừa nhận thực tế ở miền nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị. Trong thời hạn 60 ngày kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, Mỹ và các Đồng minh của Mỹ phải rút hoàn toàn quân đội, cố vấn quân sự, nhân viên quân sự và trang thiết bị ra khỏi miền Nam Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Ảnh: TL.

Việc Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được các bên tham gia ký kết (27/1/1973) đã đánh dấu kết thúc một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến tranh “đánh cho Mỹ cút”, mở ra giai đoạn giành thắng lợi quyết định “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi Hiệp định được ký kết, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ nước Việt nam DCCH đã ra lời kêu gọi, khẳng định: Với việc Hiệp định được ký kết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã giành được thắng lợi rất vẻ vang. Toàn dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đều vô cùng tự hào và phấn khởi trước thắng lợi này của Tổ quốc.

Đánh giá về việc ký Hiệp định, bên cạnh nêu những ý nghĩa lịch sử, thuận lợi mà Hiệp định đưa lại, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho rằng: Thắng lợi lớn nhất, quan trọng nhất là quân Mỹ thì phải rút ra, còn quân ta thì ở lại (miền Nam).

Đồng chí Nguyễn Duy Trinh – Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Pari, 27/1/1973 (Ảnh tư liệu. Bảo tàng Lịch sử quốc gia).

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Ních xơn thì cho rằng, với việc ký Hiệp định, Mỹ đã đưa được hết quân Mỹ và tù binh Mỹ trở về, đồng thời vẫn duy trì được chính quyền Việt Nam Cộng hòa của Nguyễn Văn Thiệu, với sự trợ giúp về quân sự, kinh tế của Mỹ. Nhưng 20 năm sau, năm 1993, Ních xơn đã phải thừa nhận với người nữ thư ký là Monica Crowley rằng: “Khi nhìn lại, tôi (Ních-xơn) nghĩ rằng khuyết điểm lớn nhất của Hiệp định hòa bình Paris năm 1973 là những điều khoản ngừng bắn cho phép quân đội Bắc Việt Nam được ở lại trong một số lãnh thổ của Nam Việt Nam mà họ chiếm được”. Đồng thời, Kítxinhgiơ, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống, người trực tiếp đàm phán ký Hiệp định thì lại chua chát viết trong Hồi ký dưới dạng một câu hỏi không có câu trả lời: “ Điều đó có bõ công không. Những thay đổi liệu có đủ quan trọng để biện minh cho nỗi lo âu và cay đắng trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh không? Không đối với chúng ta, hẳn rồi, gần như là chắc chắn đối với Sài Gòn mà sự sống sót, nói cho cùng, là cái cớ của chiến tranh”.

Hai tác giả Marvin Kalb và Bernard Kalb, trong cuốn sách có nhan đề “Kissinger”, lại đưa ra một cái nhìn tổng thể sau khi các bên ký Hiệp định: “Nixon được tù binh trở về. Lê Đức Thọ được Mỹ rút ra. Thiệu được giữ lại chính quyền và Chính phủ cách mạng lâm thời (Chính phủ Việt cộng) được một mức độ hợp pháp chính trị ở Nam Việt Nam. Mỗi người được cái gì đó nhưng không có ai được tất cả mọi cái”.

Còn Nigel Cawthorne, tác giả người Anh của cuốn sách: “Chiến tranh Việt Nam – Được và mất” xuất bản năm 2007, đã đánh giá: “Hiệp định Hòa bình Pari năm 1973 chỉ chấm dứt sự can thiệp trên bộ của quân đội Mỹ ở Đông Nam Á. Nó vẫn cho phép quân đội miền Bắc ở lại miền Nam Việt Nam, nhưng không được tăng cường thêm”.

Trong lời tựa cuốn sách của tác giả Larry Berman “Không hòa bình, chẳng danh dự. Ních-xơn, Kitxinhgiơ và sự phản bội ở Việt Nam”, xuất bản năm 2003 tại Mỹ, Hoàng Đức Nhã, Cố vấn thân cận của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, nguyên Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi Việt Nam Cộng hòa, đã cay đắng thừa nhận: “Sau khi Hiệp định được ký kết vào tháng 1 năm 1973, Việt Nam Cộng hòa đã phải sống trong tình trạng chờ đợi chính quyền Hoa Kỳ giữ lời hứa sẽ phản ứng dữ dội trước vi phạm hòa bình của cộng sản Bắc Việt và đồng thời đốc thúc Quốc hội tăng viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa. Chúng tôi đã chứng kiến bi hài kịch khi một ông Đại sứ Hoa Kỳ (Graham Martin) không chịu chấp nhận sự thật mà vẫn tiếp tục cho rằng Hoa Kỳ sẽ cứu Việt Nam Cộng hòa”. Còn chính tác giả Larry Berman thì cho rằng: “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đồng bào ông biết rằng Lê Đức Thọ đã đạt được chiến thắng ngoại giao. Tổng thống Thiệu phải chấp nhận một văn kiện để Hoa Kỳ rút chân khỏi Việt Nam”.

Quan chức tình báo CIA tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh là Frank Snepp trong cuốn sách “Khoảng cách thời gian vừa phải (Decent Interval)”, đã thốt lên: “Hiệp định Pari thực sự chỉ là một hình thức bỏ chạy của Hoa Kỳ. Điều duy nhất được đảm bảo sẽ xảy ra là sự triệt thoái của Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam vì điều này chỉ cần một hành động đơn phương của Hoa Kỳ”.

Để kết thúc, xin dẫn câu trả lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng với phóng viên kỳ cựu của Hãng truyền hình Mỹ CBS là Walter Cronkite khi nói về ý nghĩa lịch sử của Hiệp định: “Hiệp định Pari đánh dấu một thắng lợi quan trọng của nhân dân chúng tôi trong cuộc kháng chiến cứu nước chống lại cuộc xâm lăng của Mỹ. Đối với chúng tôi, các điều khoản của Hiệp định thật là thuận lợi…Hiệp định Pari mở đường cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, chấm dứt hơn một thế kỷ đô hộ của thực dân cũ và mới, tái lập nền độc lập, tự do và thống nhất của đất nước chúng tôi”./.

PGS.TS NGUYỄN MẠNH HÀ

Viện Lịch sử Đảng