Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ có thành “cuộc chơi tay đôi”?
Lý do mà ông Donald Trump đưa ra là nếu Mỹ không có được thoả thuận công bằng sau hàng chục năm “bị chèn ép”, thì Canada sẽ bị gạt ra ngoài. Những lời đe doạ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa ra sau khi Mỹ và Canada không đạt được thoả thuận trong cuộc đàm phán do bất đồng về Chương 19. Chương này quy định các tranh chấp thương mại liên quan đến chống bán phá giá sẽ được giải quyết bởi một hội đồng độc lập thay vì tòa án trong nước.
Phía Mỹ muốn bỏ quy định này bởi các quy định về chống bán phá giá được xem như “người bảo hộ” của các ngành công nghiệp như gỗ xẻ và thép. Trong khi đó, phía Canada muốn ngăn chặn việc Mỹ sử dụng các quy định về chống bán phá giá và lý do an ninh để áp thuế với các mặt hàng của Canada. Việc Mỹ áp thuế thế giới đã từng chứng kiến qua hành động tăng thuế lên 10% và 25% với mặt hàng nhôm và thép của Mỹ gần đây.
Về mặt pháp lý, ông Donald Trump có thể thực hiện lời đe dọa của mình. Nhưng về mặt chính trị, đó chắc chắn sẽ là một bước đi không dễ dàng. Lợi ích kinh tế cũng là yếu tố mà Mỹ sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu muốn xúc tiến một thỏa thuận NAFTA không có Canada, và Quốc hội Mỹ hiểu rất rõ điều đó.
Trong 25 năm tồn tại, với những quy định loại bỏ hầu hết thuế quan giữa Mỹ – Canada – Mexico, NAFTA đã góp phần định hướng lại hoàn toàn các lĩnh vực sản xuất của cả 3 quốc gia, và các lĩnh vực sản xuất của Mỹ và Canada đã được “tích hợp” với nhau ở mức độ chặt chẽ hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Canada hiện là thị trường xuất khẩu số một của hơn 33 tiểu bang của Mỹ trong năm 2016, bao gồm các bang phía Bắc như Georgia, Alabama, Pennsylvania, Iowa và Tennessee – và đó cũng là những bang mà ông Donald Trump đã giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử hồi năm 2016.
Hiện tại Canada là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô. Nếu ông Donald Trump thực sự loại bỏ Canada khỏi NAFTA và áp mức thuế 25% đối với ô tô sản xuất tại Canada, đó sẽ là quyết định tác động tiêu cực tới cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng Mỹ. Và điều quan trọng là với bất kỳ phiên bản NAFTA mới nào, việc hội đủ cả 3 quốc gia Bắc Mỹ mới có thể tạo nên sức cạnh tranh cho toàn khu vực trước các nhà sản xuất châu Á và châu Âu.
Bởi vậy, nhiều thành viên Quốc hội Mỹ đã lên tiếng rằng họ sẽ không thông qua bất cứ thỏa thuận mới nào nếu không có sự xuất hiện của Canada. Vậy là Canada có thêm một “đồng minh bất ngờ” trong đàm phán với Mỹ. Nếu ông Donald Trump trình lên Quốc hội một thỏa thuận chỉ có Mỹ và Mexico, ông sẽ cần có ít nhất 60 phiếu thông qua của Thượng viên – một con số được đánh giá là rất khó có thể đạt được.
Ông Donald Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ ông có kế hoạch ký thỏa thuận NAFTA mới trong vòng 90 ngày kể từ ngày 31/8 đến ngày kết thúc đàm phán với Canada. Về mặt nguyên tắc, ông Donald Trump sẽ có 30 ngày để trình lên Quốc hội một thỏa thuận sơ bộ. Trong khoảng thời gian này, Mỹ và Mexico vẫn có thể chào đón Canada quay trở lại vào bất cứ lúc nào. Đây chính là cơ hội để Washington và Ottawa nỗ lực giải quyết các bất đồng còn tồn đọng để có thể đi tới một NAFTA sửa đổi giữa ba bên, thay vì để NAFTA trở thành cuộc chơi của riêng Mỹ và Mexico.
Theo vov.vn