Ảnh minh họa, nguồn internet.

Nhiều năm qua, da giày luôn nằm trong top 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2017, toàn ngành đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm 2016, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày Việt Nam, chiếm khoảng 34% trong tổng kim ngạch. Tiếp đến là thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Theo Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam, năm 2018 ngành da giày có thêm nhiều yếu tố thuận lợi, đây sẽ là cú hích để toàn ngành có sức bật tốt và đạt được mục tiêu đề ra.
Cụ thể, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) dự kiến được ký kết vào giữa năm 2018. So với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn. Khi Hiệp định này có hiệu lực, thuế suất giảm về 0%. Tương tự, mặt hàng túi xách không bảo hộ nên thuế suất cũng sẽ về 0%.
Cùng với đó, Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ cũng đang thúc đẩy thông qua một dự luật về thuế quan được kỳ vọng. Dự luật này sẽ cắt giảm thuế quan đối với một số dòng sản phẩm nhập khẩu, trong đó có vài chục loại sản phẩm giày dép và dệt may nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, mới đây, Tập đoàn Sketcher (Mỹ) đang nghiên cứu đầu tư một dự án lớn với quy mô khoảng 20.000 lao động vào Việt Nam. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng mới trong việc thu hút vốn đầu tư sau 1 năm trầm lắng của ngành da giày.
Năm vừa qua, tập đoàn này đã phân phối hơn 200 triệu sản phẩm và đang có ý định chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam. Sketcher hiện đã đầu tư mạnh mẽ về các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và đang có ý định đầu tư ra các tỉnh phía Bắc. Hải Dương có thể sẽ là nơi được chọn để đặt dự án đầu tiên với quy mô dự kiến từ 700.000 đến 1 tỷ USD…
Theo đại diện của Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, trong năm 2018, một trong những thách thức đối với các doanh nghiệp da giày là làn sóng công nghiệp 4.0 và bài toán nâng cao năng suất lao động. Hiện có tới 75% doanh nghiệp da giày gặp khó khăn trong việc đầu tư ứng dụng tự động hóa, chỉ có khoảng 20% bắt đầu ở quy mô nhỏ và dưới 5% là đang có kế hoạch xây dựng. Ngoài ra, chính sách bảo hộ của các nước cũng là một thách thức lớn với ngành, chẳng hạn như việc Anh rời khỏi EU đã ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu da giày.
Trước những khó khăn này, Hiệp hội da giày-túi xách Việt Nam khuyến cáo, để cạnh tranh tốt hơn, các doanh nghiệp trong ngành cần sớm khắc phục nhược điểm chi phí nhân công cao bằng việc dịch chuyển nhà máy về các vùng có nguồn nhân lực dồi dào để hạ chi phí sản xuất; tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành để nâng cao giá trị gia tăng và chủ động sản xuất cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nên sản xuất các sản phẩm có giá trị từ trung bình và cao, không nên sản xuất sản phẩm cấp thấp, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh ở phân khúc này so với các đối thủ.
Năm 2018, ngành da giày đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội sẽ tăng cường tham gia các hoạt động tham vấn các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da giày, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững.

PV