Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) Nguyễn Thanh Phong, nhiều chi cục hải quan hiện nay đang băn khoăn về phương án thực hiện khi chuyển từ phương thức vừa tiền kiểm, vừa hậu kiểm trước đây sang phương thức chỉ hậu kiểm. Theo đó, thay vì giám sát chủ động như trước đây (tức là lấy mẫu thị trường đi xét nghiệm, nếu không đảm bảo mới quay lại xử lý vi phạm), thì với quy định mới, các chi cục sẽ thực hiện ngay việc lấy mẫu kiểm tra theo quy định, nếu không đạt thì xử phạt ngay thời điểm đó.
Sau hơn một tháng Nghị định 15 có hiệu lực (từ đầu tháng 2/2018), ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, một số địa phương vẫn chưa nắm cụ thể quy định của Nghị định. Điển hình như phương thức kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu, các cơ quan thực thi tại địa phương chưa hiểu thống nhất. Trước đây, 100% hồ sơ sản phẩm đều kiểm tra, nay chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% lô hàng do Hải quan chọn ngẫu nhiên và kiểm tra hồ sơ, chứ không nhất thiết phải lấy đủ mẫu 5%.
Bên cạnh đó, cũng theo Nghị định 15, nguyên liệu nhập khẩu về sản xuất làm nội bộ thì miễn kiểm tra theo văn bản, tuy nhiên vẫn có thông tin một số địa phương vẫn kiểm tra. Hiện, Tổng cục Hải quan cũng đã có văn bản miễn kiểm tra những sản phẩm này đến các chi cục địa phương.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, Cục sẽ liên tục cập nhật những khó khăn, vướng mắc và thông tin về thực hiện Nghị định này, để hướng dẫn, giải đáp băn khoăn cho các chi cục địa phương, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo Nghị định 15, khoảng 90-95% sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn trên thị trường được tự công bố sản phẩm. Quy định này được các doanh nghiệp đánh giá là bước đột phá trong quản lý Nhà nước về ATTP so với những thủ tục nhiêu khê, tốn kém trước đó ở lĩnh vực này.
Đối với hình thức tự công bố này, hồ sơ yêu cầu doanh nghiệp gồm Bản tự công bố an toàn sản phẩm (có mẫu sẵn) và Phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, mẫu nhãn sản phẩm. Đặc biệt, việc công bố chỉ cần thực hiện một lần, thay vì 3-5 năm/lần như trước.
Những sản phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm, theo quy định mới, thời gian thẩm định hồ sơ rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày (riêng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 30 ngày xuống 21 ngày). Các cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm phải thông báo công khai tên, sản phẩm của tổ chức, cá nhân đã được tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và cơ sở dữ liệu về ATTP để người tiêu dùng biết.
Với các doanh nghiệp được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, quy định mới nới rộng hơn khi có tới 10 trường hợp không cần xin cấp giấy chứng nhận.
Việc kiểm soát về ATTP đối với thực phẩm nhập khẩu cũng được thay đổi căn bản, khi thêm nhiều trường hợp được miễn kiểm tra như sản phẩm là quà tặng, quà biếu trong định mức miễn thuế nhập khẩu; sản phẩm quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển, tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan; sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở; sản phẩm đã được cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Cũng theo Nghị định này, việc quản lý Nhà nước các sản phẩm thực phẩm được phân rõ ràng, theo đó Bộ Y tế sẽ quản lý 6 nhóm ngành hàng, Bộ Công Thương quản lý 8 nhóm ngành hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý 17 nhóm ngành hàng.
Trong đó, việc quản lý Nhà nước về ATTP do Bộ Y tế quản lý được phân cấp triệt để cho tuyến dưới, Cục ATTP chỉ quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu chỉ chịu sự kiểm tra của một cơ quan, doanh nghiệp không phải đi lại nhiều như trước, Cục trưởng Cục ATTP cho biết.
Theo Cục ATTP, sự thay đổi này sẽ tiết kiệm hơn 7,4 triệu ngày công và hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo chinhphu.vn