Đề xuất trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra trong góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016 về lệ phí môn bài.

Đại diện cơ quan này cho rằng, lệ phí môn bài là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp hàng năm. Như vậy, cứ có hoạt động kinh doanh là phải đóng, bên cạnh nghĩa vụ với các loại thuế khác phát sinh trong quá trình kinh doanh.

Tuy nhiên, theo VCCI, trong bối cảnh, Nhà nước đang thúc đẩy việc thành lập doanh nghiệp mới, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, cắt giảm các chi phí tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, việc thu lệ phí môn bài ngay khi bước vào kinh doanh đã đi ngược lại chủ trương và tinh thần này.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp phải nộp 2 triệu đồng lệ phí môn bài nếu thành lập trong nửa đầu năm hoặc nộp 1 triệu đồng nếu thành lập trong nửa cuối năm. Trước đó, trong tờ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139, Bộ Tài chính đề xuất miễn lệ phí môn bài trong năm đầu tiên cho doanh nghiệp mới thành lập. Bộ Tài chính cũng dự kiến miễn lệ phí môn bài cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Bộ Tài chính ước tính, với số lượng tổ chức, cá nhân và hộ gia đình khởi sự kinh doanh năm nay tương đương 2018 (khoảng 147.000 đơn vị), quy định này khiến thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Hai năm gần nhất, tổng thu lệ phí môn bài đạt trên 4.300 tỷ đồng. Trong đó, lệ phí môn bài với doanh nghiệp mới thành lập hơn 392 tỷ đồng. Số thu này không bao gồm 37.300 tổ chức chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương đương khoảng 28% số tổ chức tham gia khởi sự năm 2018) do đối tượng này đang được miễn phí môn bài theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo VNE