“Grab không mua lại tư cách pháp nhân của Uber tại Việt Nam, do đó Uber phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý giải quyết các vấn đề về nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế”, phía Grab nói.
Trước đó, ngày 2-4, trao đổi về việc Uber vẫn chưa giải quyết hết các khoản nợ thuế trước khi dừng hoạt động, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: “Grab phải có nghĩa vụ với khoản nợ này. Các nghĩa vụ của doanh nghiệp sáp nhập thì doanh nghiệp mới thừa kế phải chịu trách nhiệm đó”.
Hiện tại, Uber đã thông báo đến đối tác, khách hàng việc chấm dứt hoạt động tại Việt Nam từ 8-4, song vẫn đang nợ khoản thuế 53,3 tỷ đồng tại Cục Thuế TPHCM. Cơ quan thuế đã nhiều lần có văn bản đòi nợ, thậm chí có biện pháp mạnh nhưng vẫn chưa thu hồi được.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, khoản nợ thuế 53,3 tỷ đồng Uber vẫn chưa trả.
Về trách nhiệm trả nợ sau khi Uber sáp nhập vào Grab, ông Bình nói, trên nguyên tắc khi nhận chuyển nhượng thì toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ được kế thừa, kể cả các nghĩa vụ với chủ nợ, trong đó có cả nợ ngân sách Nhà nước.
“Với thương vụ của Grab và Uber, chúng tôi cũng phải xem lại hợp đồng của họ có những điều khoản ràng buộc nào đối với các bên liên quan hay không? Trong trường hợp này, bên nào trả sẽ tùy thuộc vào hợp đồng chuyển nhượng quy định ai sẽ là người trả khoản thuế này”, ông Bình nói.
Ông Bình thông tin thêm, dù cơ quan thuế đã có văn bản gửi đến Grab, đề nghị báo cáo việc sáp nhập, cơ quan này vẫn chưa nhận phản hồi từ Grab. Cơ quan thuế đang chờ báo cáo chính thức từ Grab, nên vẫn chưa có phương án xử lý cụ thể.
Riêng về khoản thuế chuyển nhượng thì đây là thương vụ của cả khu vực, nên sẽ phải xem xét lại giá trị của mỗi thị trường ra sao, để tính toán.
“Tất nhiên khi trả tiền cho Uber thì Gab cần phải khấu trừ khoản thuế này. Sau khi hoàn tất thương vụ, Uber cũng sẽ phải báo cáo, kê khai và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với từng quốc gia, nơi từng hoạt động”, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM nói.

PV