(KDPT) – Thời gian qua, Việt Nam đã rất quan tâm, chú trọng xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN). Điều này góp phần quan trọng phát huy vai trò, động lực then chốt của KH&CN trong phát triển kinh tế – xã hội.

TIN LIÊN QUAN:
>>> Thủ tướng đề nghị bổ sung đột phá phát triển khoa học công nghệ
>>> Khoa học công nghệ ghi dấu ấn trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội
>>> Khoa học công nghệ song hành cùng phát triển kinh tế – xã hội

Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Theo Bộ KH&CN, đến nay, chi ngân sách nhà nước cho KH&CN chiếm khoảng 1,36% – 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước. Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN bình quân trong các năm gần đây đạt khoảng 1,08% GDP. Đáng chú ý, chi từ ngân sách nhà nước chiếm 52%; từ DN đã tăng lên 48%, do có sự đầu tư trọng điểm của một số DN, tập đoàn kinh tế lớn. Bên cạnh đó, đã hình thành các kênh tài chính hỗ trợ viện nghiên cứu, trường đại học và DN thông qua hệ thống các quỹ quốc gia về KH&CN.

Thực tế, quốc gia nào có nền KH&CN càng phát triển thì tỷ trọng đầu tư cho KH&CN của khu vực ngoài nhà nước so với ngân sách nhà nước càng lớn. Ví dụ ở các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản… tỷ trọng này thường là 3:1 đến 4:1. Ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phục vụ lợi ích chung của quốc gia. Do đó, trước sự chuyển dịch tích cực về cơ cấu đầu tư cho KH&CN giữa nhà nước và khu vực ngoài nhà nước như trên tại Việt Nam là việc đáng mừng.

Sự nở rộ của các tổ chức KH&CN cũng là minh chứng cho thấy tiềm lực KH&CN phát triển. Hiện nay, cả nước có 640 tổ chức là đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực KH&CN. Về cơ bản, các tổ chức KH&CN đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hơn nữa, nhiều tổ chức đã thực hiện thành công cơ chế tự chủ với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và thu nhập của cán bộ gấp nhiều lần lương ngạch, bậc như: Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Dầu khí Việt Nam, Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ – Vinacomin, Viện KH&CN Mỏ – Luyện kim. Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức KH&CN nước ta đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng cán bộ nghiên cứu đều tăng qua các năm, trong đó, số lượng cán bộ nghiên cứu có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ ngày càng tăng. Theo thống kê, hiện cả nước có 167.746 người tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Số lượng có trình độ tiến sỹ là 14.376 người, thạc sỹ là 51.128 người và đại học là 60.719 người…

Ngoài đội ngũ trí thức KH&CN trong nước còn có đông đảo trí thức là người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN đều được khẳng định. Năm 2018, nhiều nhà khoa học Việt Nam đã được tôn vinh trên các diễn đàn thế giới, đặc biệt Giáo sư Phan Thanh Sơn Nam và Phó Giáo sư Nguyễn Sum nằm trong số 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á do Tạp chí Asian Scientist bình chọn. KH&CN Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Theo đó, cần ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho KH&CN, đồng thời đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý KH&CN nhằm giải phóng năng lực sáng tạo của nhà khoa học, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống.

    • KH&CN là khơi thông các nguồn lực, tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ DN.

Nguyễn Nga
Theo congthuong.vn