MTI nhấn mạnh, triển vọng cải thiện cho ngành sản xuất, chủ yếu đến từ các doanh nghiệp điện tử.

“Về mặt cân bằng, với triển vọng tăng trưởng được cải thiện của các nền kinh tế quan trọng bên ngoài, cũng như việc nới lỏng hơn nữa các hạn chế đi lại toàn cầu và các biện pháp y tế công cộng trong nước, dự kiến ​​trong năm 2021 nền kinh tế Singapore dự kiến ​​sẽ trở lại tăng trưởng”, MTI cho biết.

Dự báo tăng trưởng của Singapore được đưa ra khi những đột phá gần đây trong phát triển vắc-xin làm dấy lên hy vọng có thể kiềm chế được đại dịch. Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn, bao gồm các biện pháp tài khóa và rút hỗ trợ chính sách sớm. Việc nới lỏng các hạn chế đi lại cũng không đơn giản chút nào, gần đây nhất là trường hợp số ca mắc mới Covid-19 gia tăng ở Hồng Kông đã làm trì hoãn sự khởi đầu của du lịch được nhiều người mong đợi giữa hai trung tâm tài chính châu Á này.

Selena Ling, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược ngân quỹ của Oversea-Chinese Banking Corp tại Singapore, cho biết: “Bức tranh lớn hơn phụ thuộc vào sự phát triển của vắc-xin và sự hồi sinh toàn cầu gần đây sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài và triển vọng mở lại biên giới quốc tế. Các dịch vụ hướng tới nội địa vẫn được phát triển, mặc dù đại dịch Covid-19 đã khiến cho mức giá của những dịch vụ này tăng cao cho đến thời điểm hiện tại”.

Nền kinh tế của Singapore có thể sẽ tăng trưởng 4% – 6% vào năm 2021.

Sự phục hồi của Singapore phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nước này, bao gồm mối quan hệ Mỹ-Trung đang phát triển, làn sóng lây nhiễm Covid-19 tái diễn và sự phát triển vắc xin, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore, Chan Chun Sing cho biết.

Ông nói: “Con đường phía trước nằm ở sự phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn, chứ không phải thể chế chính trị”. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore nói về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: “Chúng tôi vẫn chưa biết chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ tiếp cận các mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào. Nhưng chúng tôi hy vọng cả hai bên sẽ giảm bớt căng thẳng và trở lại trật tự kinh tế toàn cầu cởi mở và bao trùm hơn”.

Ông Chan Chun Sing cũng cảnh báo rằng sự kỳ vọng về sự phát triển vắc xin gần đây có thể bị đặt nhầm chỗ, vì “đó sẽ không phải là giải pháp nhanh chóng mà nhiều người mong đợi” với việc sản xuất, phân phối và ứng dụng mất “nhiều tháng, nếu không phải là nhiều năm”.

Edward Robinson, phó giám đốc điều hành kiêm nhà kinh tế trưởng tại Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS), cho biết chính sách tiền tệ vẫn phù hợp vào thời điểm này và ông dự kiến ​​MAS sẽ họp lại như dự kiến ​​vào tháng 4. Ông nói: “Có một động lực hỗ trợ liên tục từ chính sách tiền tệ và tài khóa đang chảy trong nền kinh tế”.

Đối với năm 2020, MTI đã điều chỉnh triển vọng của mình xuống mức thu hẹp 6% – 6,5%, hẹp hơn so với mức giảm 5% – 7% dự báo trước đó. Đồng thời, cũng cho biết nền kinh tế suy giảm ít hơn so với ước tính trước đó trong ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9.

Theo ước tính cuối cùng của MTI, tổng sản phẩm quốc nội giảm 5,8% trong quý ba so với một năm trước đó. Con số này tốt hơn so với ước tính trước đó là giảm 7% và so với dự báo trung bình là -5,5% trong một cuộc khảo sát của Bloomberg về các nhà kinh tế.

Trong những tuần qua, số ca mắc mới Covid-19 hàng ngày ở Singapore giảm, bao gồm cả những du khách đến được lệnh cách ly, dao động ở mức một chữ số. Điều đó đã tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách tìm cách giảm bớt các hạn chế đã cản trở hoạt động kinh doanh.

Các quan chức Singapore cho biết vẫn còn khả năng cung cấp thêm các biện pháp kích thích tài khóa, sau khi cam kết viện trợ khoảng 100 tỷ đô la Singapore (74 tỷ USD) cho đến nay trong năm 2020. Thủ tướng Lý Hiển Long cho biết ông thấy chính phủ sẽ thâm hụt ngân sách ít nhất là đến đầu năm tới, để hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp “ốm yếu”.

CÔNG NINH