Kỳ diệu những căn nhà chống lũ, cứu dân
Theo thông tin từ ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, trận lũ mới đây đã gây ngập 706 căn nhà tại địa phương, đặc biệt tại thôn 3 và 4, nhiều điểm đã ngập sâu khoảng 8 m, nhấn chìm hoàn toàn nhiều căn nhà dưới nước. Nhờ có nhà phao tránh lũ khá vững chãi, người dân địa phương vẫn an toàn trước cơn “đại hồng thủy”. Trên những ngôi nhà phao, bếp lửa vẫn đỏ cho 3 bữa cơm hàng ngày của các gia đình. Từ nhà phao này đến nhà phao khác, bà con có thể đi lại bằng thuyền nhỏ để trao đổi công việc khi cần thiết.
Theo người dân địa phương, trước kia, cứ đến mùa lũ, người dân xã Tân Hóa phải lên núi dựng lều, căng bạt chạy lũ, tài sản xe máy, tivi, tủ lạnh, heo gà, trâu bò vận chuyển không kịp đều bị cuốn theo dòng nước bạc. “Cái khó ló cái khôn”, sau trận lũ lịch sử 2010, người dân xã Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà phao để “sống chung với lũ.” Nhà phao được làm trên khoảng 20 đến 30 chiếc thùng phuy rỗng kết lại. Khi nước dâng cao, nhờ các thùng phuy rỗng này mà nhà nổi theo nước. Mô hình nhà phao đã được phát triển từ năm 2014 thông qua chương trình Nhà chống lũ.
Anh Thái Xuân Lực là người đầu tiên ở xã Tân Hóa làm được nhà phao. Anh cho biết, thời điểm vợ chồng anh quyết định làm nhà phao, nhiều người lo không an toàn, gia đình còn can ngăn vì sợ tốn kém mà không hiệu quả.
Tuy nhiên, căn nhà chống lũ kiêm tạp hóa của vợ chồng anh thực sự phát huy hiệu quả trong trận lũ năm 2011. Xuất phát từ căn nhà của anh Lực, nhiều người dân tại Tân Hóa cũng đã làm nhà phao, tùy theo khả năng và nhu cầu của các gia đình để không còn phải chạy lũ. Thế nhưng, những nhà phao tự phát này vẫn chưa có đủ các yếu tố để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trước nhu cầu bức thiết, vào năm 2014, dự án Nhà chống lũ Việt Nam đã bắt tay vào thiết kế nhà chống lũ cho người dân với tiêu chí dễ làm và an toàn nhất. Đến hết tháng 8/2017, dự án này hoàn thành được 90 căn nhà phao, từ đó, bà con đã học tập và nhân rộng mô hình với sự hỗ trợ của cộng đồng và các tổ chức, cá nhân khác, nâng tổng số nhà phao tại Tân Hóa lên đến 400 căn trên tổng số 678 hộ ở thời điểm tháng 9/2019.
Từ đó đến nay, các nhà phao chống lũ của người dân Tân Hóa đều được thống nhất thực hiện theo mô hình thiết kế chung của dự án Nhà chống lũ Việt Nam và ngày càng hoàn thiện hơn.
Nhà phao có diện tích khoảng 20 m2, với 20 thùng phuy dưới đáy nhà, có thể ở được 8 người. Mái nhà và vách tường được thiết kế bằng tôn lạnh, nhà có cửa sổ để thoát hiểm, cột định hướng cao từ 6-8m được cố định với mặt đất. Khi lũ lên, nhà phao sẽ nổi lên theo cột định hướng, khi lũ rút, nhà sẽ trở về vị trí ban đầu. Với khoản kinh phí chỉ từ 30-35 triệu đồng cho mỗi căn. Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của các ban, ngành, địa phương cũng như các đơn vị tài trợ, gần như các hộ dân vùng ngập sâu tại xã Tân Hóa đều đã có nhà phao để tránh lũ. Mới đây, Mặt trận tỉnh Quảng Bình đã xây dựng thêm 60 căn nhà phao cho người dân Tân Hóa.
Tuy nhiên, Tân Hóa hiện còn khoảng 50 hộ dân vùng ngập sâu vẫn chưa có nhà phao; đang cấp thiết cần được hỗ trợ xây dựng để tránh lũ, bởi xã này nằm ở vùng trũng, lũ lụt liên miên. Các cấp chính quyền tại Quảng Bình cũng sẽ tiếp tục vận động các đơn vị tài trợ để giúp những hộ dân này có được nhà phao với mục tiêu “phủ” nhà phao cho vùng “rốn lũ”. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng nghiên cứu các giải pháp, trong đó có việc nhân rộng mô hình nhà phao cho các địa phương phù hợp, giúp người dân được an toàn mỗi khi lũ về.
Ông Duẫn cho biết thêm, tính đến nay xã Tân Hóa đã có gần 540 căn nhà phao, trong đó có rất nhiều nhà phao được chính quyền và các đơn vị tài trợ hoàn toàn hoặc hỗ trợ một nửa kinh phí xây dựng.
Từ những hiệu quả thấy rõ của nhà phao qua các trận lũ, chính quyền các cấp tại Quảng Bình cũng như người dân vùng “rốn lũ” Tân Hóa đang dần biến nhà phao trở thành căn nhà thứ 2 không thể thiếu của mỗi hộ gia đình.
Theo bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình, nhà phao ở xã Tân Hóa là mô hình chống lũ hết sức hiệu quả, đảm bảo tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân. Họ không cần phải chạy lũ mà bình yên trong các căn nhà cứ nổi lên theo mức nước.
MINH LONG