Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng quà tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội. (Ảnh internet)

Tri ân

Suốt hành trình của cách mạng Việt Nam, trong công cuộc dựng nước và giữ nước hơn 7 thập kỷ qua, hoạt động tri ân, chăm sóc những gia đình liệt sĩ, thương binh bệnh binh, những người có công với nước luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc với những việc làm thiết thực. Nhiều công trình, việc làm đã được triển khai sâu rộng từ trung ương tới địa phương, nhằm vơi đi nỗi đau mất mát của thương binh, những người có công với nước. Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, những tình cảm, hoạt động chăm sóc người có công ngày càng phát triển, có sức lan tỏa, được cộng đồng xã hội hưởng ứng dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực.

Năm chương trình: nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… đã và đang được các tổ chức, cá nhân ủng hộ mạnh mẽ; hàng nghìn căn nhà tình nghĩa dành cho người có công với Cách mạng được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, gia cố mỗi năm; hàng chục nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công được trao tặng, công ăn việc làm cho con thương binh liệt sĩ được kiến tạo.

Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn của dân tộc. Đó là biểu tượng của trách nhiệm, của nghĩa tình. Được biết đến nay, toàn quốc đã xác nhận khoảng 9 triệu người có công; người hoạt động Cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945: 16.500 người; liệt sỹ: gần 1.2 triệu người; thân nhân liệt sỹ gần 500.000 người; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng: trên 117.000 người; Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động: gần 1.300 người; Thương binh và người hưởng chính sách như thương binh: gần 600.000 người; thương binh loại B: trên 40.000 người; bệnh binh: gần 185.000 người; người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học: gần 312.000 người; người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày: gần 111.000 người; người có công giúp đỡ cách mạng: 1.897.000 người; người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ Quốc tế: gần 4,1 triệu người.

Ngoài ra, cả nước còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng vạn thanh niên xung phong. Hơn 1.4 triệu người được hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Người có công với Cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; được ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở và cho đến thời điểm hiện tại, hầu hết hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Cống hiến

Để có được ngày huy hoàng hôm nay, thành quả của những thương binh, liệt sĩ không tiếc máu xương mang về “cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do” như Bác Hồ từng nói lúc sinh thời. Đến thời kỳ đổi mới và phát triển, trong số những doanh nhân đã và đang góp phần viết lên những trang sử mới cho đất nước Việt Nam, có những doanh nhân là cựu chiến binh, là thương binh. Nhiều tập đoàn kinh tế của các anh đã đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều tỉ đồng, đó là những người thực hiện tốt lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”. Có thể kể ra đây những cái tên đầy ấn tượng, như AHLĐ Lê Văn Kiểm – Chủ tịch Golf Long Thành; Anh hùng LLVT Phan Văn Quý – Chủ tịch tập đoàn Thái Bình Dương, AHLĐ Nguyễn Đăng Giáp – Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty CP 36 ; cựu chiến binh đoàn tàu không số Đào Hồng Tuyển – Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu; Cựu chiến binh thương binh Nguyễn Văn Quỳnh – Giám đốc công ty Cơ khí chế tạo và Dịch vụ tổng hop27/7; thương binh cựu chiến binh Trịnh Xuân Lâm – Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tiên Sơn, người đã giúp 15 nghìn lao động ly nông không ly hương… Còn rất nhiều doanh nhân là thương binh cựu chiến binh trong đội ngũ doanh nhân Việt Nam hôm nay, đang từng ngày cống hiến hết mình cho sự phồn vinh của đất nước Việt Nam. Đó cũng là lời tri ân thiết thực nhất với những anh hùng liệt sĩ, đã không tiếc xương máu vì một đất mẹ Việt Nam ngày càng hùng cường, mỗi người dân đều được thụ hưởng hạnh phúc đích thực.

Dâng hương, tưởng niệm 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP tại Nghĩa trang Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh).

Trong những ngày tháng 7 đầy ý nghĩa này, cả dân tộc Việt Nam thêm một lần hãy nhìn lại mình về sự cống hiến, sao cho xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ và tri ân những người trở về sau chiến tranh. Mỗi người Việt Nam phải hiểu hơn nữa giá trị sống hôm nay, để tiếp tục cống hiến cho đất nước.

AN PHONG