Cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi ngày một nóng khi nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất .
Cuộc đua lãi suất huy động tiền gửi ngày một nóng khi nhiều ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất.

Trong những ngày gần đây, cuộc đua tăng lãi suất huy động vẫn tiếp tục gia tăng sức nóng. Điều này diễn ra trong bối cảnh các ngân hàng phải gia tăng sức cạnh tranh trong cuộc thu hút dòng tiền để đảm bảo đáp ứng nhu cầu vay vốn cuối năm.

Trong đó, Ngân hàng Quốc dân (NCB) trả mức lãi suất lên tới 10,35% cho khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 12 tháng với khoản tiền gửi chưa tới 1 tỷ đồng. Khách hàng gửi 6 tháng qua ứng dụng ngân hàng này cũng được hưởng lãi suất lên tới 10% một năm.

Một số đơn vị khác trên thị trường như SHB, Nam A Bank... cũng sẵn sàng trả mức lãi suất quanh 10% một năm cho khoản tiền gửi chỉ vài trăm triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng. Để hút tiền gửi, phần lớn nhà băng có các "chương trình ưu đãi" với lãi suất cao hơn nhiều biểu niêm yết chính thức, cũng không đòi hỏi số tiền gửi giá trị lớn.

Như tại MSB, lãi suất online dành cho khách hàng mới gửi kỳ hạn 12 tháng lên tới 9,8%. Với khoản tiền gửi 15 tháng, lãi suất dành cho khách hàng mới tại nhà băng này là 9,9% một năm, số tiền yêu cầu tối thiểu chỉ 1 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hơn chục nhà băng trên thị trường đang trả lãi suất trên 9% một năm cho khoản tiền gửi kỳ hạn 12 tháng như Kienlongbank, GPBank, BaoVietBank, PGBank, OCB, VPBank, VietBank, Sacombank, SeABank... Tại nhóm ngân hàng quốc dân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng cũng xấp xỉ mức 8% một năm.

Còn với kỳ hạn dưới 6 tháng, phần lớn ngân hàng đang trả mức kịch trần 6% một năm, ngoại trừ BIDV, AgriBank, Vietcombank, BacABank, CBBank.

Trước bối cảnh lãi suất huy động tăng cao, việc các ngân hàng cũng sẽ phải tăng lãi suất đầu ra là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ khó tăng nhanh như lãi suất huy động, đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn có chủ trương hướng dòng vốn tín dụng cho vay vào các lĩnh vực ưu tiên. Trong bối cảnh thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt để kiềm chế lạm phát, chủ trương trên càng được NHNN kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thực tế, các lĩnh vực không ưu tiên (chứng khoán, bất động sản, cho vay tiêu dùng…) đều phải thắt lưng buộc bụng với tín dụng ngân hàng do tình trạng cạn “room”, trong khi đó, lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên lại không thể tăng được cao do bị khống chế bởi quy định về trần lãi suất của NHNN. Trong nội dung Quyết định số 1813/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022, mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên tuy được điều chỉnh tăng, nhưng cũng chỉ khống chế ở mức 5,5% (trước đó là 4,5%).

Việc các ngân hàng tìm mọi phương kế để thu hút khách hàng tham gia các dịch vụ thanh toán là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là một trong những cách để các ngân hàng bù lại biên lợi nhuận. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho biết, việc gia tăng dịch vụ thanh toán cũng giúp các ngân hàng tăng tỷ lệ vốn từ tiền gửi không kỳ hạn và điều này cũng giúp cho nhiều ngân hàng tăng tỷ lệ thu nhập lãi thuần.