Xu hướng này đặc biệt đúng với Việt Nam, nơi mà các bất động sản khách sạn quy mô trung bình được sở hữu độc lập đang chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, không phải tất cả các khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng được vận hành độc lập đều có thể đạt được vị thế nổi bật trong phân khúc khách sạn boutique hiện đại, điều mà thường đòi hỏi một cam kết đầu tư cùng chiến lược phát triển dài hạn và bền vững.

Phân khúc khách sạn boutique, theo mặc định, đáp ứng từng sở thích và thị hiếu riêng biệt của khách hàng, bởi mỗi khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng thuộc phân khúc này đều có những đặc điểm vật lý và thiết kế riêng biệt cũng như các dịch vụ tùy biến, mà thường được “dàn dựng” theo một chủ đề cụ thể về nghệ thuật, lịch sử, phong cách sống, hay di sản địa phương. Ví dụ, Apricot Hotel Hanoi là một trong những khách sạn tư nhân dạng boutique được thiết kế theo chủ đề, phản ánh nghệ thuật truyền thống và đương đại Việt Nam. Tại đây, một bộ sưu tập lớn gồm những bức tranh và tác phẩm điêu khắc được đặt khắp các khu vực công cộng và trong phòng nghỉ nhằm truyền tải chủ đề này và tạo ra một bầu không khí rất đặc biệt, giúp kích thích tính hiếu kỳ và nhận thức về nghệ thuật Việt Nam cho cả khách nghỉ tại khách sạn và khách tới sử dụng dịch vụ. Theo xu hướng này, trong những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư của các khách sạn có quy mô trung bình đã tiến hành nâng cấp bất động sản của mình để hưởng lợi từ sự thay đổi thị hiếu của khách hàng, khiến cho thị trường du lịch có tính dịch vụ hơn và được phân cấp rõ rệt hơn.

Khách sạn JW Marriott Phú Quốc.

Tuy nhiên, phát triển một khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng boutique đòi hỏi nhiều thứ hơn là việc nâng cấp các phòng lưu trú hiện có. Trước tiên, cần có sự định vị mang tính chiến lược rõ ràng dựa trên một câu chuyện độc đáo mà khách sạn sẽ truyền tải. Thứ hai, câu chuyện này cần được thể hiện qua kiến ​​trúc vật lý được thiết kế một cách có chủ ý, ngay từ trải nghiệm của khách hàng khi bước chân vào khách sạn, thông qua hình ảnh khu vực sảnh, phòng nghỉ, cùng tất cả các tiện ích ẩm thực và giải trí đi kèm. Thứ ba, câu chuyện này cần được khuếch trương trong tất cả các khía cạnh khác của khách sạn bao gồm đồng phục nhân viên, thiết kế menu, nhạc nền, và quan trọng nhất là phong cách trang trí của các không gian công cộng trong toàn bộ khách sạn. JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa là một ví dụ điển hình, minh họa rõ nét quá trình phát triển nói trên. Bất động sản này thể hiện mạnh mẽ chủ đề về một viện giáo dục bậc cao của thế kỷ XIX, dựa trên hình ảnh một trường đại học đã từng được xây dựng tại vị trí hiện nay của khu nghỉ dưỡng. Tất cả các tòa nhà của khu nghỉ dưỡng này tái hiện các khoa khác nhau trong trường đại học như sinh học, hóa học, lịch sử…; tất cả các vị khách được chào đón như sinh viên nhập học và trở thành một phần trong hoạt động của trường đại học; đồng phục nhân viên được thiết kế theo phong cách của đồng phục sinh viên và trang phục giáo viên vào thế kỷ XIX; thậm chí, ngay cả các phương tiện vận chuyển quanh khu nghỉ dưỡng cũng mang dáng dấp của những chiếc xe thuở xưa và chạy bằng năng lượng xanh. Sự chú trọng vào một chủ đề riêng biệt, sự chăm chút từng chi tiết trong thiết kế, cùng với các dịch vụ và tiện ích đặc biệt mà JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa cung cấp biến nó trở thành khu nghỉ dưỡng boutique thực sự nổi bật, và sẽ giúp nó trở thành điển hình dẫn đầu cho phân khúc thị trường tương ứng trong dài hạn.

Trong bối cảnh hiện tại, ngày càng nhiều chủ đầu tư khách sạn với tư tưởng tiến bộ đã nhận thức được thực tế này, dẫn tới việc hình thành hai xu hướng phát triển riêng biệt trong phân khúc khách sạn boutique. Thứ nhất, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng boutique được vận hành độc lập đang dần trở thành một thành phần của những chuỗi khách sạn lớn, thông qua nhiều kênh liên kết mà một số nhà điều hành khách sạn quốc tế năng động hơn tạo ra, ví dụ như thương hiệu MGallery by Sofitel của tập đoàn Accor. Là một bất động sản thuộc thương hiệu này, Hôtel des Arts Saigon MGallery Collection gợi lại một thời kỳ đã qua, khi mà một chuyến du lịch tới Đông Dương được coi là đặc quyền dành riêng cho tầng lớp thượng lưu. Khách sạn boutique năm sao trong thành phố này còn là một bảo tàng nghệ thuật thu nhỏ, nơi trưng bày bộ sưu tập cá nhân của chủ đầu tư bao gồm nhiều bức họa và đồ cổ tô điểm cho mỗi bức tường và khu vực sảnh khách sạn. Xu hướng thứ hai là việc nhiều chuỗi khách sạn quốc tế đã bắt đầu phát triển các khách sạn và các khu nghỉ dưỡng dạng boutique của riêng mình để chiếm lĩnh thị phần thuộc phân khúc này sau khi nhận thấy những thay đổi nói trên trong thị hiếu của khách hàng. Xu hướng thứ hai này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới khi phân khúc khách sạn boutique phát triển, và cũng là kết quả của sự hợp nhất gần đây trên thị trường khách sạn quốc tế cùng với nhu cầu sắp xếp danh mục thương hiệu và đưa ra định hướng chiến lược mới cho một số thương hiệu trong danh mục này.

Trong vòng bốn đến năm năm qua, phân khúc khách sạn boutique đã phát triển nhanh chóng, và hiện đang góp phần gia tăng và làm phong phú thêm các dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Trong hiện tại và tương lai, phân khúc này sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu của thị trường ngách; và là một xu hướng mạnh mẽ đang nổi lên tại thị trường Việt Nam trong việc cung cấp trải nghiệm cá nhân và độc đáo cho khách hàng, những người đang trở nên tinh tế và thông thái hơn về thị hiếu và trên tất cả, khao khát một địa vị xã hội cao hơn.

Reno Mueller, chuyên gia trong lĩnh vực Khách sạn quốc tế