Trước đó, trong lĩnh vực giao thông nhiều trạm thu phí BOT đã trở thành “trạm thu giá”. Giải thích việc thay đổi này, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo quy định hiện hành, phí là khoản người dân phải trả khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, trong khi BOT là sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp nên mới có sự chuyển đổi cách gọi sang thu giá (giá sử dụng đường bộ). Theo ông, “việc đổi tên này không có gì khác mà giúp linh động hơn”.

Trước Bộ Giáo dục, việc chuyển đổi từ phí sang giá đã được thực hiện ở các trạm BOT và bị dư luận phản ứng mạnh mẽ.

Việc chuyển đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân và những nhà ngôn ngữ, chính khách. Đa số đều không đồng tình với cách chuyển đổi này, bởi “lạ lẫm” và không đúng về mặt ngôn ngữ. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng – nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, thực chất việc đổi tên là lách luật, đánh tráo khái niệm. “Có thể thu phí, thu thuế… chứ không thể thu giá do giá không phải là thứ có thể thu được. Giá là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, dịch vụ. “Thu” biểu hiện bằng tiền quả thực là một thứ khá tối nghĩa và ngô nghê”, ông nói.

Về vấn đề này, ngày 29/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói: “Đây thực chất là chuyển từ phí sang giá, nhưng đặt tên thế nào cho đúng, cho trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt thì phải nghiên cứu. Chúng ta sẽ cập nhật lại chỗ này.”

Tại chương trình kì họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sáng nay (30/5), Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học. Tại điều 65 của dự thảo Luật Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khái niệm “học phí” cũng cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, phần lớn các thành viên lại không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục”. Do đó, Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc khi sử dụng khái niệm học phí.

Rõ ràng, việc chuyển đổi cách gọi từ “phí” sang “giá” của Bộ Giao thông – Vận tải và Bộ Giáo dục là sự chuyển biến ngôn ngữ không cần thiết. Nhìn từ góc độ ngôn ngữ, nhiều nhà nghiên cứu cho biết, họ chưa từng nghe khái niệm “thu giá” bao giờ. Tương tự là việc chuyển đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo”. “Chữ “phí” và chữ “giá” là 2 từ Hán Việt, có nghĩa khác nhau.“Phí” là chi phí, là hao tổn, tiêu dùng. Theo đó, nếu ai đó bỏ ra số tiền làm việc gì đó, thì “thu phí” tức là thu lại số tiền đã bỏ ra, mà người tiêu thụ, tiêu dùng, tức là người được hưởng phải chịu. Còn “giá” là giá trị của một vật, được quy định bằng tiền hoặc hiện vật tương đương.

Hai chữ “giá” và “phí” do vậy không hề đồng nghĩa, cũng không hề gần về nghĩa. Vì thế không thể, và không được phép dùng thay cho nhau.

Về mặt thuật ngữ là như vậy. Nếu bàn thêm về sự trong sáng của Tiếng Việt, việc đổi từ phí sang “giá” trong ngành Giáo dục và Giao thông là một sự coi thường tiếng mẹ đẻ. “Từ “giá” mang tính chợ búa nhiều hơn tính giáo dục, thế mà người đứng đầu ngành giáo dục lại định thay từ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” thì tôi quả thật không hiểu. Nền giáo dục nước nhà không phải cái chợ thưa Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.” – thầy Lê Đức Vĩnh – nguyên Trưởng bộ môn Toán, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam bức xúc.

Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục. Tương tự như vậy đối với “trạm thu giá” BOT. Các nhà dịch thuật, hướng dẫn viên du lịch, sẽ giải thích, chuyển ngữ cho du khách nước ngoài, đối tác kinh doanh như thế nào với từ “thu giá” ‘học giá” vốn không đúng về ngôn ngữ và xa lạ trong đời sống?

Bản chất của việc chuyển từ phí sang giá là thay đổi hoàn toàn quan niệm, phí là nhà nước ấn định theo Luật phí, lệ phí. Và như vậy những cơ sở giáo dục, đào tạo không có chuyện thay đổi phí khi nhà nước đã ấn định. Còn khi gọi là giá dịch vụ đào tạo thì các cơ sở giáo dục, đào tạo người ta có quyền tính đúng tính đủ các chi phí hợp lý và được nhà nước chấp nhận và trở thành chi phí đào tạo mà người học phải trả cho trường. Điều này cũng đúng với việc thu phí (giá) ở các trạm BOT. Nhưng liệu chất lượng đào tạo, chất lượng giao thông có được nâng lên sau khi chuyển đổi bản chất của việc điều chỉnh này hay sẽ tạo ra một sự “loạn giá” không cần thiết trong thời điểm hiện nay?.

Duy Khánh