ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h42 09/10/2020

Mưa lớn ở các tỉnh miền Trung khả năng kéo dài: Không để người dân đói, rét

(KDPT) – Mưa lớn đang gây ngập lụt, chia cắt ở các tỉnh miền Trung. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, trong 3 ngày tới, từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam tiếp tục mưa rất to và khả năng còn kéo dài. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại và không để người dân thiếu đói, rét.

Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt

Ở Quảng Bình, từ đêm 6 – 8.10, nhiều địa phương có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến trên 100mm, cá biệt nhiều nơi như huyện Minh Hóa lượng mưa đạt 646mm; xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đạt 534mm; thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy đạt 402mm. Lũ trên sông Kiến Giang, Nhật Lệ đã vượt báo động 3, nước trên sông Gianh đang tiếp tục lên nhanh.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, đến 10 giờ ngày 8.10, toàn tỉnh có 25 thôn, bản thuộc 7 xã bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao gây ngập một số đoạn đường vào thôn, bản. Riêng rốn lũ Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã có 50 căn nhà ngập sâu 0,5m. Huyện Tuyên Hóa đã lên phương án vận động, tổ chức di dời 430 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều điểm trên các tuyến Quốc lộ 15, 12, 9B, và hai Tỉnh lộ 562, 9c… bị ngập không thể qua lại. Để bảo đảm an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình đã cho toàn bộ học sinh các cấp nghỉ học. Hiện người dân Quảng Bình đang khẩn trương di dời đồ đạc, tài sản và sẵn sàng di chuyển đến những nơi cao ráo, an toàn để phòng tránh mưa lũ.

Huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã có 1 người mất tích, 1 người bị thương, nhiều vùng chia cắt, nhiều tuyến đường bị ngập. Mưa lũ đã làm hơn 900 nhà ngập 0,3 – 0,8m, tập trung tại các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu… Về hoa màu có 31,5ha bị ngập và hư hại tập trung tại các xã Điền Lộc, Điền Hòa. Đến nay, toàn huyện Phong Điền đã tổ chức di dời 253 hộ dân ở các điểm thấp trũng.

Tại huyện miền núi A Lưới, mưa lớn liên tục những ngày qua đã làm sạt lở đất trên Quốc lộ 49 từ TP. Huế đi lên huyện A Lưới tại km76 vào tối 7.10, với chiều dài điểm sạt khoảng 50m khiến giao thông đi lại khó khăn. Sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo UBND huyện đã nhanh chóng chỉ đạo lực lượng chức năng huy động cán bộ chiến sĩ và phương tiện để khắc phục sự cố.

Mưa lớn cũng khiến lũ ở các sông tại Quảng Trị lên nhanh. Một số vùng thấp trũng ở các huyện Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ và TP. Đông Hà cũng bị ngập trên diện rộng. Người dân đã phải thức trắng đêm để di chuyển tài sản đến nơi an toàn.

Tương tự, mưa lớn đã gây ngập lụt và chia cắt nhiều điểm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Mưa to có khả năng kéo dài

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, từ 8 – 10. 10, các địa phương từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250 – 350mm, có nơi trên 400mm; Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 – 100mm, có nơi trên 100mm.

Từ ngày 11.10, các tỉnh, thành phố Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn cấp 2.

Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế tiếp tục lên. Các sông ở Quảng Ngãi xuống dưới mức báo động 1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt sâu, diện rộng vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, đặc biệt tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Ninh, Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình); Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị); Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế); Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam); Minh Long, Ba Tơ, Nghĩa Hành, Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi).

Nhiều ngôi nhà trên địa bàn huyện Phong Điền ngập sâu trong nước. Ảnh: Hải Huế

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân

Để chủ động ứng phó với mưa, lũ lớn, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm 4 tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.

Cụ thể, tập trung rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm. Những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết vận động di dời. Trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét. Bộ NN – PTNT, Bộ Công thương chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để hỗ trợ các địa phương khi có yêu cầu.

Cùng với đó, các địa phương chủ động thông tin kịp thời, khuyến cáo, hướng dẫn người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ.

Tiếp tục chỉ đạo, triển khai các biện pháp gia cố bảo vệ đê điều, hồ đập. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ du để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố…

T.PHONG

Nguồn link gốc: https://daibieunhandan.vn/khong-de-nguoi-dan-doi-ret-fuaj5u4q28-48227



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025