Tư lệnh ngành công thương cho biết, năm 2021, dù bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng cũng lại là năm đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 668 tỷ đô la Mỹ (USD) và trở thành 1 trong 20 quốc gia có thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ, năng lực sản xuất lớn và khả năng tranh thủ thị trường thế giới khi bối cảnh khan hiếm hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy hiệu quả ra sao.

Sang năm 2022, qua 9 tháng, ước tính kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều của cả nước đã đạt 558 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu là 282 tỷ USD, nhập khẩu là 276 tỷ USD. Đến ngày 20/10 kim ngạch hai chiều cũng đạt khoảng 620 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu ước đạt 313,85 tỷ USD và nhập khẩu đạt 306,1 tỷ USD. Như vậy là đã xuất siêu gần 8 tỷ USD.

Theo đà này, hết năm 2022, dự báo, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều có thể sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD và xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Đây là một thành tựu rất lớn, nổi bật và ngoạn mục.

Về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, đến thời điểm này đã có 32 mặt hàng xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD, cao hơn so với năm 2021. Xuất khẩu tăng trưởng tập trung vào các ngành hàng như dệt may tăng 24%, da giày tăng 36%. Song song đó, cũng tranh thủ được giá cao nên các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón. Các doanh nghiệp đang khai thác rất hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ở những thị trường truyền thống; đồng thời, khai thác triệt để và mở thêm một số thị trường mới. Xuất nhập khẩu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lý giải, sở dĩ xuất khẩu tăng mạnh là nhờ nỗ lực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp trong nước tăng cường năng lực sản xuất trong 2 năm vừa qua. Chính phủ và Bộ Công Thương cùng với các ngành chức năng đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm để phát triển thị trường mới; nên trước đây, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chủ yếu dựa vào một số thị trường như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Mỹ thì đến giờ, chính những khu vực ấy lại có sự thu hẹp thị trường bởi sự giảm sút về tổng cầu, lại thêm lạm phát tăng cao. Trong bối cảnh ấy, xuất khẩu Việt Nam lại tiếp tục quay trở về thị trường Đông Âu, tìm động lực cho các doanh nghiệp trong nước bứt phá; trong đó, gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 9 phục hồi tích cực, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, nhất là ở giai đoạn cao điểm của dịch bệnh.

Có được những kết quả đáng khích lệ như đề cập, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đó là nhờ việc ứng dụng hiệu quả thương mại điện tử trong lĩnh vực tiêu dùng hàng hóa trong thời gian qua. Hiện nay, doanh số thương mại qua môi trường điện tử của Việt Nam đã đạt khoảng 14 tỷ USD và dự báo cả năm 2022 có để đạt mức 17 hoặc 18 tỷ USD.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam sẽ là quốc gia có thương mại điện tử phát triển vượt bậc, năng động nhất trong khu vực và trên thế giới với tốc độ tăng trưởng khoảng 25%. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của thương mại điện tử, Bộ trưởng Công Thương cũng bày tỏ quan ngại về nhiều thách thức trong việc quản lý chất lượng cũng như việc áp dụng thuế, phí cho các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này.