Ngành Thuế đang nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý.

Thời gian qua, các lĩnh vực đều đang từng bước tiến tới chuyển đổi số, ngành Thuế đang nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.

Quản lý thuế không chỉ đảm bảo nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn có tác động rất lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp. Quản lý thuế tốt giúp giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, tạo ra môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Việc ngành Thuế đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ kê khai thuế, dịch vụ thuế điện tử theo kiến trúc và công nghệ mới, với nhiều tiện ích, hỗ trợ người nộp thuế thực hiện khai thuế thuận lợi, chính xác là nền tảng phát triển các dịch vụ thuế số cho người nộp thuế, góp phần giúp ngành Thuế đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi số trong quản lý thuế, hải quan và quản trị logistics cần được ứng dụng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn để nâng cao hiệu quả quản lý.

Trong 2 năm 2021 và 2022, công tác chuyển đổi số đã có những thành tích tốt, trong giai đoạn tới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm để phát huy những thành tích đã đạt được.

Hệ thống công nghệ thông tin cần được phát triển tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Các cơ quan thuế cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người dân nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn cần xây dựng bài bản, phù hợp để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế…

Cùng với đó, phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống công nghệ thông tin được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Số hóa toàn bộ hồ sơ, dữ liệu về quản lý thuế, kể cả các thủ tục trình và ra các quyết định quản lý thuế cũng chuyển dần sang phương thức giao dịch điện tử với hồ sơ điện tử, duyệt và ký điện tử. Chuyển dần tất cả các thủ tục thuế với tất cả các thuế từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử; Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các thủ tục thuế thực hiện bằng phương thức điện tử và toàn bộ các quyết định quản lý thuế là văn bản điện tử. Các thủ tục nội bộ cơ quan thuế cũng cần chuyển dần sang thủ tục trình, phê duyệt và ra quyết định quản lý thuế bằng phương thức điện tử để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc.