ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 18h42 08/06/2018

Nền kinh tế Nga được gì từ World Cup?

(KDPT) – Đến thời điểm này, ngoài 12 sân vận động tại 11 thành phố được xây mới hoặc tu sửa lại, Nga đã xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, bao gồm các sân bay, các tuyến đường ô tô và đường sắt. Dự kiến sẽ có khoảng 570.000 người hâm mộ nước ngoài và 700.000 người Nga sẽ đến theo dõi các trận đấu World Cup. World Cup 2018 được kỳ vọng sẽ tạo được một cú hích cho nền kinh tế Nga.

World Cup 2018 sẽ khởi tranh tại Nga từ ngày 14/6.

Hơn 11 tỷ USD được đổ vào World Cup

Số tiền Nga chi cho World Cup lần này là khoảng 11 tỷ USD nhưng không bao gồm một số chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng và sân vận động mới. Đồng thời, khoảng 220.000 việc làm tại Nga đã được tạo ra nhờ World Cup.

Trước đó, Nga cũng chi một số tiền lớn để tổ chức Olympic Sochi 2014, với khoảng 50 tỷ USD theo một ước tính của Chính phủ. Sự kiện này được xem như là chìa khóa cho uy tín của nước chủ nhà và cũng trở thành thế vận hội mùa đông tốn kém nhất lịch sử. Do đó, với Nga, World Cup 2018 cũng có vai trò tương tự.

Nga đã lên kế hoạch chi hơn 200 triệu USD nhằm đảm bảo các sân vận động được xây dựng phục vụ World Cup 2018 để tránh đi vào ‘vết xe đổ’ của các quốc gia đăng cai trước đây thường lãng phí cơ sở hạ tầng sau khi kết thúc những ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Theo AFP, nước chủ nhà nỗ lực tận dụng cơ hội tổ chức vòng chung kết World Cup 2018 để hâm nóng sự quan tâm của người hâm mộ bóng đá đối với giải vô địch quốc gia đang đối mặt nhiều khó khăn. Tại 11 thành phố diễn ra các trận đấu sẽ có một sân vận động hoàn toàn mới hoặc một sân vận động được nâng cấp ngay tại vị trí cũ.
Vì vậy, kế hoạch mà Nga chấp nhận chi thêm sau World Cup là nhằm chuyển đổi các sân thành những cụm sân đa năng. Các địa điểm này sẽ là nơi người dân có thể đến để chơi những môn thể thao mùa hè và mùa đông trong những nhà thi đấu hiện đại được trang bị hệ thống tiện nghi mới nhất, hay tổ chức các sự kiện văn hóa….

Cuối năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “lệnh” cho chính phủ soạn thảo một chương trình “hậu” World Cup 2018 nhằm thu hút khán giả đến sân xem các trận đấu của các câu lạc bộ và hỗ trợ công tác phát triển cầu thủ trẻ.Tuy nhiên, vấn đề mà Nga phải đối mặt bấy lâu nay là làm thế nào để gặt hái được thành quả từ những khoản đầu tư khủng vào các thành phố mà những CLB địa phương không đủ điều kiện để chơi ở giải hạng nhất.

Cú hích hay “đòn gạt chân”?

Một nghiên cứu mới về tác động của World Cup tới kinh tế cho thấy, GDP của Nga có thể tăng lên khoảng 26 tỷ USD (khoảng 1,62 triệu tỷ rúp) đến 30,8 tỷ USD trong 10 năm từ 2013 đến 2023. Mức tăng trưởng này là nhờ du lịch ngày càng phát triển, tăng chi tiêu cho xây dựng với các khoản đầu tư của Chính phủ.

Theo tính toán của Ủy ban Tổ chức World Cup 2018 của Nga mới được công bố, Vòng chung kết bóng đá thế giới được ước tính sẽ đóng góp 2,5 – 3,5 tỷ USD cho nền kinh tế Nga mỗi năm, trong 5 năm tiếp theo. Nga kỳ vọng sẽ đón khoảng nửa triệu lượt du khách trong kỳ World Cup 2018 này.

Đây có thể được xem là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế Nga, bởi hầu hết các quốc gia đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao tầm cỡ như World Cup thường… báo lỗ.

Theo truyền thông Nga, bản đề xuất của văn phòng Chính phủ Nga thừa nhận rằng chính phủ sẽ phải chi trả những khoản ngân sách cho một số thành phố cho đến tận năm 2023. “Phải luôn nhớ rằng chi phí vận hành sân rất cao còn doanh thu của câu lạc bộ thì thấp, nên không thể trông đợi vào việc sân mang về lợi nhuận kinh doanh trong vòng từ 3 đến 5 năm tới”, một tuyên bố từ văn phòng Chính phủ Nga cho hay.

Trong khi đó, Hãng thông tấn RIA Novosti cho rằng Chính phủ Nga muốn chuyển 16,6 tỉ rúp (265 triệu USD) cho “chương trình kế thừa” nói trên. Phần lớn số tiền (khoảng 190 triệu USD) sẽ được trích từ ngân sách liên bang và được phân bổ để giúp các sân ở 7 thành phố chủ nhà có quy mô nhỏ hơn duy trì hoạt động; một phần khác sẽ được chi cho các cơ sở huấn luyện và các trung tâm bóng đá trẻ.

Nga cũng thừa nhận rằng nước chủ nhà World Cup thường không thu được lợi ích về kinh tế. Tuy nhiên, World Cup chính là cơ hội đầu tư lâu dài cho nền bóng đá gặp nhiều khó khăn kể từ thời Xô Viết. Và Nga muốn tránh bị sa lầy với viễn cảnh những sân vận động được xây dựng để phục vụ World Cup lại trở thành biểu tượng của sự quản lý yếu kém và lãng phí quá mức. Vấn đề này từng rất được quan tâm sau World Cup 2014 và Olympic mùa hè 2016 mà Brazil đăng cai.

Minh Trang



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/01/2025