Ngày Xuân và chữ Nhân
Chữ Nhân trong tiềm thức người Việt
Vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau dương lịch, đất nước chúng ta đứng trước nguy cơ mất nước vào tay ngoại bang, quan niệm về Nhân cũng thay đổi. Chúng ta có thể nhận ra điều này qua một số tác phẩm còn lại đến ngày nay, tiêu biểu như trong Lục Độ Tập Kinh của thiền sư Khương Tăng Hội. Toàn bộ hệ tư tưởng của Lục độ tập kinh xuyên suốt là những quan điểm cốt yếu của người Việt về lòng nhân được diễn bày, lý giải và bảo lưu qua giáo lý Phật giáo. Truyện 31 của bộ tập kinh này viết: “chư Phật cho lòng nhân là món quí nhất của ba cõi, ta thà bỏ thân này, chứ không bỏ đạo nhân”. Có tới gần 1/3 nội dung của tập kinh này được dành để nói tới lòng nhân mà biểu hiện cụ thể của nó là tình thương và sự bố thí. “Bố thí vượt bờ là gì? là yêu nuôi người vật, thương xót lũ tà, vui kẻ hiền lành, giúp người độ lượng, (…) đói cho ăn, khát cho uống, lạnh cho mặc, nóng cho mát, bệnh cho thuốc, xe ngựa thuyền bè, các thứ trân báu, vợ con đất nước, ai xin liền cho, như thái tử Tu Đại Noa cho người nghèo thiếu, giống cha mẹ nuôi con…”
Hay: “Giúp nghèo, cứu thiếu, thương nuôi quần sinh là đứng đầu của hạnh”.
Và: “Thà mất nước chứ không mất hạnh.”
Như vậy, Nhân trong thời kỳ lịch sử này được xác định cụ thể chính là tấm lòng thương của người với người, của người đối với quần sanh. Đó chính là hạnh. Lòng nhân là một nền tảng căn cốt của tư tưởng dân tộc nói chung. Con người có thể bỏ thân, hoặc mất nước chứ không thể bỏ lòng Nhân ấy. Hạnh ấy nhân ấy chính là ngày nay ta gọi là văn hóa. Còn hạnh là còn nước. Giữ hạnh, giữ nhân chính là giữ nước.
“Nam Hải Quan Âm” với hình tượng công chúa Diệu Thiện dốc lòng tu hành để báo hiếu song thân và cứu vớt muôn loài là một câu chuyện quen thuộc với mỗi người dân Việt. Trong tác phẩm Nam Hải Quan Âm bản hạnh, chúng ta thấy được một định nghĩa rất hay về chữ Nhân như sau:
Chân như đạo Phật rất mầu,
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân.
Hiếu là độ được song thân,
Nhân là cứu vớt trầm luân muôn loài.
Như vậy, chữ Nhân trong mối tương quan gia đình chính là hiếu với cha mẹ. Cố nhiên, độ được song thân lại là một phạm trù khác nhưng cũng không ngoài ý nghĩa lấy Phật giáo để bảo lưu tư tưởng truyền thống của dân tộc. Và Nhân với bên ngoài là cứu vớt trầm luân mọi loài.
Lịch sử bi hùng của nước Việt ta đã chứng minh nhà Trần cũng là một triều đại đánh dấu mốc son tự hào và oanh liệt chói lọi trong lịch sử dân tộc. Theo tục lệ của vương triều Trần, hằng năm vào ngày mồng 4 tháng 4, vua hội họp bề tôi làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ. Trong đó, lời thề chính là: Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh tru diệt.
Sử ký chép về lời của Vua Lê Thái Tông: “Đạo làm tôi cốt yếu có hai điều. Trên thì yêu vua, dưới thì yêu dân. Đạo ấy ở đấy chính là cái đạo làm người của kẻ bề tôi với triều đình và người dân trong thiên hạ.
Chữ Nhân với ngày Xuân 2022
Chữ “人” (nhân), gồm một nét phẩy và một nét mác. Nét phẩy bên trái, nét mác bên phải để hợp thành chữ “人” (nhân) tượng trưng cho âm dương, cũng là biểu tượng hợp nhất của vật chất (hay thể xác) và tinh thần. Âm và dương cũng như Trời và Đất, chưa đủ làm thành đạo.
Chữ Nhân 仁 này, gồm có bộ nhân ( 人)và bộ nhị (二) hợp lại thành một chữ hội ý, tức biểu hiện cho con người với vai trò chủ thể trong mối quan hệ của mình với Âm Dương. Đây cũng chính là biểu hiện của đạo. Có lẽ vì vậy, đạo gia mới cho những người có tâm cầu đạo, tu hành đạt đạo, đem lòng nhân mà đối đãi với mình và thiên hạ, đó mới thực là Chân nhân chăng?
Quay trở lại với Dịch học, nền tảng của văn hóa và văn minh dân tộc Việt, chúng ta thấy từ bát quái chia các quẻ Càn và Khôn chỉ cho Trời và Đất. Càn và Khôn trong Dịch học tượng cho các yếu tố của minh triết và khoa học. Với mỗi quẻ này, chúng ta có lời thoán:
Càn (Kiền): Nguyên hanh lợi trinh
Khôn: Nguyên hanh lợi, tấn mã chi trinh.
Nguyên ở đây được hiểu là khởi đầu, cũng là Nhân. Nhân bản là tinh thần xuyên suốt của dịch học, khởi từ gốc là con người.
Hanh là sự phù hợp, xuôi thuận. Nguyên hanh bởi thế cũng có nghĩa như Nhân hòa vậy.
Lợi là thiết thực và Trinh là bền lâu.
Như vậy cả quẻ Càn này nói tới sự nhân bản, phù hợp thì mới đem lại lợi ích thiết thực và vững bền. Còn Tấn mã chi trinh ở quẻ Khôn có nghĩa là khoa học cũng phải đặt dưới ánh sáng định hướng của minh triết thì mới bền vững. Nói như vậy để thấy, khởi nguồn từ nền văn minh Dịch học, Nhân bản hay Nhân luôn là yếu tố trọng tâm, yếu tố quyết định, yếu tố ban đầu để dẫn tới mọi nhận thức, mọi sự vận hành của tự nhiên và xã hội.
Quan điểm ấy vẫn hoàn toàn đúng đắn cho tới ngày hôm nay. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, xã hội có đổi thay nhưng tư tưởng nhân bản là căn cốt ấy vẫn không hề suy chuyển.
Mùa xuân năm nay, nhìn lại khoảng thời gian những năm gần đây, chúng ta lại thấy được tầm quan trọng của chữ Nhân ấy khi con người đứng trước những khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh hoành hành.
Với mỗi trường hợp cụ thể, lòng nhân lại có những biểu hiện phong phú, sinh động. Nhưng Nhân ý nghĩa đầu tiên vẫn cần nhắc là sự ý thức và hài hòa, phù hợp. Ngày xuân của năm mới, trong hoàn cảnh dịch bệnh và đất nước khó khăn, biểu hiện của Nhân là nhìn ra xung quanh để thương và để sẻ chia, chung tay giúp đỡ với những ai còn khốn khó; Nhân là biết quý trọng từng hơi thở, quý trọng sự sống, quý trọng sinh môi.
Đồng thời là sự ý thức về bản thân, định vị được bản thân mình trong mối tương quan với con người, với tự nhiên, xã hội và với trời đất để sống sao cho hài hòa. Con người sống thuận với tự nhiên thì sẽ được tự nhiên bảo hộ, dưỡng nuôi. Con người sống “hòa” với cộng đồng thì bản thân sẽ được cộng đồng yêu thương và tăng trưởng tốt đẹp.
Nhân dịp ngày xuân, ngồi xuống ghi lại đôi điều về chữ Nhân, ngưng tay thì chén trà đã nguội, khói hương đã quện ấm cả không gian mang đầy hương vị Tết. Chúc cho mọi người, mọi nhà, cho bạn, cho tôi và cho dân tộc của chúng ta một mùa xuân mới Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa, mọi việc đều được hanh thông, người vật đều được lợi lạc, an lành, mọi sự đều được thành tựu tốt đẹp và bền vững.
ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM HIỆP