Ngay khi khởi xướng ý tưởng “làm một điều gì đó cho miền Trung”, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Viện IDE, Ban Biên tập Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển, cũng như lãnh đạo Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam. Anh em bắt tay vào lên kế hoạch, lịch trình, một bộ phận triển khai kêu gọi sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp hội viên, các nhà hảo tâm. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng hóa và tiền được chuyển tới trụ sở cũng như qua số tài khoản của Câu lạc bộ. Đó là mỳ tôm của công ty TNHH Vũ Thịnh (Bắc Giang), là thuốc men của Công ty Cổ phần Công nghệ cao Traphaco, công ty Vinh Nguyên… và rất nhiều nhà hảo tâm khác. Có người đến trao tận tay những món tiền được quyên góp từ cán bộ, công nhân viên công ty, có người dồn hết tiền bán sách – đứa con tinh thần ấp ủ bao năm, kèm theo lời nhắn gửi “chuyển tới bà con miền Trung giúp chúng tôi”. Lại có những doanh nghiệp tuy vừa trải qua vô vàn khó khăn do tác động của Covid-19, nhưng vẫn chuyển tiền qua Câu lạc bộ để hỗ trợ bà con. Của ít lòng nhiều, lá lành đùm lá rách, cứ thế, tình cảm dân tộc của người Việt luôn chảy mãi, nối dài, đã giúp chúng tôi có được một chuyến đi với hàng trăm suất quà dành cho bà con vùng bão, lũ.

Những phần quà được đóng gói cẩn thận.

Đoàn lên đường với những lo lắng về giao thông, thời tiết và vô vàn nỗi lo không tên khác, bởi hầu hết thành viên đều chưa từng đi vào vùng lũ một lần. Dẫu vậy, trách nhiệm và nghĩa đồng bào, hoặc như sự đồng điệu của đất trời-con người đã giúp đoàn vượt hơn 600km đến được với Lệ Thủy an toàn, không gặp trở ngại nào.

Địa điểm đoàn dừng chân đầu tiên của đoàn là xã Phong Thủy, nằm cách quốc lộ 1 chừng 5km. Sân hợp tác xã ngay sát dòng Kiến Giang, chỉ mới được dọn rửa trước khi đoàn đến, vẫn còn nguyên những vệt bùn đỏ quạch, ngấn nước trên tường nhà. Bà con cũng đang bắt tay vào công việc dọn dẹp sau lũ, nước sạch hầu như không có, do vậy quần áo giặt dưới sông, nước ngầu đỏ.

Đoàn trao quà cho bà con xã Phong Thủy.

Những ánh mắt, dáng người gầy guộc sau lũ đã khiến thành viên đoàn không khỏi xúc động. Chị Thùy Nhung, phụ trách một nhóm trẻ mầm non đã đích thân đến nhận quà của đoàn. Chị cho biết, phòng học, đồ dùng, sách vở của các con đã bị lũ làm hư hại, hoặc cuốn trôi hết. Chị Quỳnh, người dẫn đường cho đoàn tâm sự, nhà mình bị cuốn trôi cả máy giặt, nhưng thế vẫn còn nhẹ, nhiều nhà chẳng còn gì do không kịp chạy lũ.

Gần 100 suất quà đã được đoàn tặng bà con tại đây. Nhận quà, bà con đều bày tỏ xúc động và cảm ơn các Mạnh Thường Quân đã gửi gắm, không chỉ vật chất mà còn là tình cảm-nghĩa đồng bào.

Rời Phong Thủy, đoàn di chuyển đến thôn Phúc Thọ, xã An Thủy. Đây là nơi vẫn đang bị ngập, đường liên thôn vẫn phải lội lõm bõm nước.

Bắt chuyện với một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, bà cho biết nhà mình vốn bán tạp hóa. Con nước đã cuốn đi tất cả tài sản của gia đình. Ngay mặt đường liên thôn là khu chợ, có tên Chợ Thùi. Nhưng dòng chữ đó và bức tường dường như là tất cả những gì còn lại của khu chợ này. Xung quanh là ngổn ngang cửa xếp, mái ngói, xà, cột… đã bị bão, lũ vùi dập. Ngấn nước trên tường cho thấy lũ đã gần chạm nóc chợ.

Chợ Thùi chỉ còn lại cái tên và đống đổ nát.

Bên trong khu chợ.

Một gia đình với hai mẹ con đang ngồi giặt quần áo trước cửa căn nhà bị tốc bay mái, xiêu vẹo có lẽ đã lột tả phần nào những mất mát mà người dân nơi đây phải hứng chịu từ thiên tai.

Tại đây, đoàn đã tiến hành trao quà cho các hộ dân gặp khó khăn. Gần 100 suất quà nữa đã đến tay bà con trong niềm vui, sự xúc động.

Một người phụ nữ ngồi buồn bã bên căn nhà bị hư hại.

Đoàn cũng tiến hành trao quà cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy.

Người dân nhận quà từ đoàn Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam.

Chia sẻ về chuyến đi, chị Thúy Hiền, thành viên đoàn xúc động: “Từ bao đời, miền Trung oằn lưng gánh nặng cả hai đầu Nam – Bắc. Sự mạnh mẽ này ắt không phải tự nhiên mà được ướm lên đất mẹ oai hùng. Cùng là người con đất Việt, chúng tôi mong cho sóng gió nhanh chóng đi qua, trả lại một miền Trung nên thơ của tạo hóa. Mong cho dân mình giữ vững được những kiên cường từ thuở sơ khai, trải qua khổ đau sẽ đến ngày bình an nương náu”.

Chuyến đi của thành viên đoàn Câu lạc bộ Các nhà Công thương Việt Nam, Viện IDE, Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển mang theo những phần quà, và hơn hết đó là tình cảm của doanh nghiệp, cán bộ, phóng viên, cộng tác viên, các nhà hảo tâm đã hoàn thành tốt đẹp, kịp thời hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục và ổn định cuộc sống.

Qua đây, chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn tới quý doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã ủng hộ cho đồng bào miền Trung, thể hiện tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, một truyền thống tốt đẹp ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam, đó là nghĩa đồng bào.

DUY KHÁNH