Ảnh minh họa, nguồn internet.

Chương trình phát triển
Trong lĩnh vực công- thương nghiệp, Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Nghiên cứu và phát triển hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, Nghiên cứu khoa học và phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam đến năm 2020,… là các chương trình của Chính phủ đề ra nhằm phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có những chính sách mới về việc nghiên cứu và ứng dụng, phát triển các ngành công nghệ như: công nghệ năng lượng; công nghệ sinh học; công nghệ cơ khí và tự động hóa; công nghệ vật liệu mới,…
Về nông nghiệp, Chính phủ đã có những quyết định về việc áp dụng công nghệ cao vào trong sản xuất như: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sau thu hoạch, Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực,… Đây cũng là chính sách đưa nền nông nghiệp của Việt Nam sang trang mới, hiện đại hơn, năng suất cao hơn,…
Về dịch vụ – xã hội, các chương trình như: Nghiên cứu khoa học phát triển văn hóa con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Nghiên cứu khoa học phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam đến 2020, Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông,… là một trong những quyết định quan trọng của Chính phủ, giúp Việt Nam dễ dàng làm chủ với công nghệ tiên tiến, ứng dụng được nó, bảo đảm cho cuộc sống người dân tốt đẹp hơn.
Tất cả những chương trình, quyết định của Chính phủ về khoa học công nghệ là điều thiết yếu để giúp Việt Nam bắt kịp nền công nghiệp 4.0 ở các nước phát triển và đang phát triển. Trong quá trình hội nhập thế kỷ 21, phát triển khoa học công nghệ là giải pháp tốt nhất cho Việt Nam rút ngắn chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để đến năm 2020, nước ta cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại.
Nỗ lực trong năm 2018
Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trước năm 2020, chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trong công tác ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trong đời sống. Báo cáo của Bộ KH&CN cho hay trong năm 2017, Bộ đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu đưa KH&CN phục vụ trực tiếp cho phát triển các ngành, lĩnh vực; hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt trong ngành nông nghiệp công nghệ cao, cần chú trọng đến các sản phẩm chủ lực của quốc gia theo chuỗi giá trị; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp; cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .
Trong các lĩnh vực dịch vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp 4.0 được đẩy mạnh. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc (từ vị trí 59/128 lên 47/127 nước và nền kinh tế, cao nhất từ trước đến nay). Đây là tín hiệu khả quan chứng tỏ các chương trình khoa học và công nghệ của Chính phủ đang được áp dụng hiệu quả.
Năm 2018, Bộ KH&CN xác định 8 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc khuyến khích thực hiện các nhiệm vụ gắn với doanh nghiệp, phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm trọng điểm của quốc gia có tiềm năng xuất khẩu, giá trị kinh tế cao; tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất. Mục tiêu trong 2 năm tới, đến năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong chương trình khoa học và công nghệ, phát triển toàn diện các lĩnh vực công nghệ cao, đưa nền kinh tế Việt Nam “bay cao và bay xa” hơn nữa…

Duy Anh