Đến nay, hầu hết các tổ chức quốc tế lớn đều đưa ra các đánh giá, dự báo bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ảnh minh họa

TIN LIÊN QUAN
>>> CPTPP – Điểm sáng kinh tế thế giới
>>> WTO: Tranh chấp thương mại kìm hãm kinh tế thế giới

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 2/4 nhận định tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 có thể sẽ chậm hơn so với dự báo trước đó song có thể bật tăng tạm thời vào cuối năm.

Trong bài phát biểu trước thềm cuộc họp mùa Xuân với Ngân hàng Thế giới (WB), dự kiến diễn ra từ ngày 12-14/4 tới, bà Lagarde cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã mất động lực sau những cú sốc từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, căng thẳng thương mại gia tăng, các điều kiện tài chính bị thắt chặt hơn.

Theo bà Lagarde, tuần tới, IMF dự định cắt giảm hơn nữa dự báo tăng trưởng toàn cầu so với tháng 1 vừa qua, trong bối cảnh 70% nền kinh tế toàn cầu có thể phải chứng kiến mức tăng trưởng chậm lại.

Bên cạnh đó, người đứng đầu IMF cũng kêu gọi các chính phủ thành viên ngăn chặn các mối đe dọa đang ngày một tăng thông qua việc hiện đại hóa hệ thống thuế, cắt giảm nợ công, giảm tình trạng mất cân bằng thu nhập.

Tháng 1 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và 2020 xuống còn khoảng 3,5%. Tuy nhiên, IMF cho rằng sẽ không có suy thoái trong tương lai gần.

Tổng Giám đốc IMF cũng đã chỉ ra một số yếu tố lạc quan đối với kinh tế thế giới trong đó các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới, như Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngừng việc tăng lãi suất trong khi Trung Quốc chuyển sang kích thích nền kinh tế. Theo bà, các chính sách này đã phần nào giúp nới lỏng các điều kiện tài chính, tăng dòng vốn vào các thị trường đang nổi. Bà cũng nhắc lại cảnh báo về việc áp đặt các hàng rào thuế quan, cho rằng động thái này không khác gì “tự giáng đòn lên chính mình”, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế cũng như khiến không bên nào giành thắng lợi.

Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo tăng trưởng kim ngạch thương mại toàn cầu trong năm 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018, viện dẫn lý do bất ổn kinh tế và căng thẳng thương mại gia tăng.

Trong bản dự báo thường niên được công bố ngày 2/4, WTO dự báo kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ tăng 2,6% trong năm nay, thấp hơn so với mức tăng 3% trong năm 2018 và dưới mức dự báo 3,7% được đưa ra trước đó.

Trong quý IV năm ngoái, kim ngạch thương mại thế giới giảm 0,3%.

WTO nhận định trao đổi thương mại đã chịu sức ép bởi chính sách áp thuế bổ sung cùng những biện pháp trả đũa, tăng trưởng kinh tế yếu kém, thị trường tài chính dễ biến động và chính sách thắt chặt tiền tệ tại những nước phát triển.

Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo lưu ý có nhiều nguyên nhân dẫn đến trao đổi thương mại đi xuống, trong đó căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rõ ràng đóng vai trò lớn.

Nhà kinh tế trưởng của WTO Robert Koopman nhận định tình hình thương mại có thể tồi tệ hơn nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai kế hoạch áp mức thuế cao đối với ô tô nhập khẩu cuối năm nay.

Trao đổi thương mại Mỹ-Trung Quốc chiếm khoảng 3%, trong khi hoạt động xuất nhập khẩu ô tô trên thế giới chiếm khoảng 8% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Do đó, chuyên gia này cảnh báo tác động lên kinh tế toàn cầu do việc áp thuế bổ sung đối với ô tô nhập khẩu sẽ lớn hơn nhiều so với tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Theo Tạp chí Nhà kinh tế (Anh), tốc độ tăng thương mại hàng hóa toàn cầu dự báo đạt 3,3% năm 2019 và giảm xuống 2,8% năm 2020. Các số liệu công bố trong tháng 3/2019 cho thấy sản xuất và tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chiều hướng chậm lại. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành chế tạo của nhiều nền kinh tế lớn trong tháng 3/2019 tiếp tục giảm, phản ánh sức sản xuất toàn cầu đang suy yếu (chỉ số PMI của Mỹ giảm còn 52,5 điểm so với 53 điểm tháng 2/2019, thấp nhất kể từ giữa năm 2017; khu vực Eurozone giảm còn 47,7 điểm, tháng 02/2019 là 49,4 điểm; chỉ số PMI Nhật Bản vẫn ở mức thấp, chưa được cải thiện với 48,9 điểm).

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) một lần nữa lại cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2019 và 2020 sau những lần hạ giảm trước đó vào tháng 11. Tổ chức này còn cảnh báo rằng các tranh chấp thương mại và những bất định vì Brexit sẽ ảnh hưởng tới thương mại và các doanh nghiệp trên thế giới.

OECD đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 xuống 3,3% (dự báo tháng 11/2018 là 3,5%) và 3,4% năm 2020, trong đó hầu hết các nền kinh tế Nhóm G20 đều hạ dự báo tăng trưởng. Theo OECD, giảm tốc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và EU cùng với tăng trưởng thương mại toàn cầu chậm lại là nguyên nhân chính làm tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại trong năm 2019. Mỹ dự báo tăng trưởng 2,5% trong năm 2019 (thấp hơn mức 2,9% dự báo tháng 11/2018) và 2,0% trong năm 2020. Tăng trưởng của khu vực Eurozone dự báo chỉ đạt 1,0% năm 2019 (trong đó Pháp hạ mục tiêu tăng trưởng năm 2019 từ 1,7% xuống 1,4%, Đức tăng trưởng 0,7-1,1%), Nhật Bản dự báo tăng trưởng 0,7-0,8%.

Theo Chinphu.vn