>>> Pizza 4P’s: câu chuyện khởi nghiệp truyền cảm hứng bắt nguồn từ sở thích của bạn gái cũ

>>> Lần đầu làm CEO: Đây là những việc bạn cần phải làm

Xu hướng của người trẻ

Hai năm trước, Elisabeth Lavarde, ngoài 30 tuổi, đã quyết định từ bỏ công việc của cô tại Paris và bắt đầu một cuộc sống mới tại Saulx-les-Chartreux, một thị trấn nhỏ với vỏn vẹn hai cửa hàng bán thực phẩm và một tiệm bánh mì ngay phía Nam Paris. Giờ đây, cô là một nông dân tập sự tại một trang trại rộng 24 mẫu trồng rau hữu cơ, bán trực tiếp cho người tiêu dùng địa phương.

“Tôi muốn làm một công việc ý nghĩa,” cô chia sẻ. Trong một khóa đào tạo tổ chức bởi Hiệp hội hỗ trợ các chủ trang trại sản xuất quy mô nhỏ, Lavarde được kết nối với những người nông dân giàu kinh nghiệm. Cô trồng khoảng 40 loại sản phẩm hữu cơ, “kết hôn” với cà chua, khoai tây, rau cải và cà rốt…

Nhiều người trẻ như Lavarde đang sống cuộc sống như những người nông dân nhỏ ở Pháp. Họ rời bỏ thành thị, quay trở về với lý tưởng làm nông nghiệp và thoát khỏi cuộc ganh đua danh lợi tại các thành phố lớn. Họ thường bỏ một công việc được trả lương cao, cũng như cuộc sống tương đối thoải mái khi họ cảm thấy không còn niềm vui và ý nghĩa.

Việc phát triển những trang trại quy mô nhỏ cũng góp phần đưa thị trường thực phẩm hữu cơ trong nước đạt giá trị lên đến gần 7 tỷ Euro năm 2016, theo số liệu của Agence Bio, công ty chuyên nghiên cứu thương mại tại Pháp. Công tước Sully, một bộ trưởng dưới thời vua Henri IV của Pháp vào đầu thế kỷ 17, đã từng mô tả “chiếc cày và đồng cỏ” như mạch máu của nền kinh tế Pháp. Và nông nghiệp từ lâu đã được nhìn dưới con mắt lãng mạn của người dân ở một quốc gia có kho báu là ẩm thực pho mát Camembert và rượu Bordeaux. Nhưng thực tế đôi khi lại mang màu sắc ảm đạm đối với rất nhiều chủ trang trại, hầu hết họ cảm thấy sản xuất bị hạn chế bởi các quy định của Liên minh châu Âu.

Không chỉ vậy, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi cạnh tranh toàn cầu, thu hẹp lợi nhuận và năng suất kém trong những năm gần đây. Các khoản trợ cấp nông nghiệp hào phóng chủ yếu mang lại lợi ích cho các trang trại lớn.

Tuy nhiên, viễn cảnh đầy thử thách đó cũng không làm cho những người mới bắt đầu như Lavarde có ý định từ bỏ nghề làm trang trại. Ngay cả khi họ nhận được ánh mắt đầy hoài nghi từ phía những người nông dân đã thành danh. Động lực cho những người như Lavarde cũng được củng cố nhiều hơn khi người dân ngày càng nhận thức được lợi ích của việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương đối với môi trường và sức khoẻ.

Người Việt đã “nhập cuộc”.

Tại Việt Nam, với mong muốn khơi dậy niềm đam mê, khát vọng làm giàu chính đáng, đưa tinh thần khởi nghiệp trở phong trào của nhiều doanh nhân trẻ hướng tới phát triển nông nghiệp, hiện tại, nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Việc thành lập CLB Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam quy tụ khoảng 200 doanh nghiệp cho thấy khả năng tập hợp các doanh nghiệp hàng đầu trong và ngoài ngành nông nghiệp cả nước để cùng bắt tay giải quyết vấn đề cốt lõi ngành nông nghiệp.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CLB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, DAA có sứ mệnh cùng nỗ lực nâng tầm vị thế nông nghiệp theo hướng doanh nghiệp hóa, số hóa, liên kết hóa, góp phần mang lại cuộc sống khỏe mạnh, an toàn và sung túc hơn cho người dân… Một trong những mục tiêu của DAA là để các doanh nghiệp có thể tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh và thúc đẩy các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ cao nhằm tối ưu năng suất nông nghiệp là giải pháp để phá trần phát triển cho nông nghiệp Việt Nam kể từ sau sự đột phá của “Khoán 10”.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, nếu có chính sách phù hợp và đầu tư đúng, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra các mô hình trong nông nghiệp công nghệ cao. Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, nâng cao chuỗi liên kết thì quy mô, năng suất sẽ tăng, tạo ra khả năng cạnh tranh cao. Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động sản xuất sẽ có sản phẩm vượt trội hơn sản phẩm nông nghiệp truyền thống, không những vậy còn tạo ra sản phẩm an toàn cho xã hội.

Sự kết nối của DAA mới đây đã hình thành dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai được Công ty TNHH Hùng Nhơn (Bình Phước) tiên phong trong việc liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp an toàn khi ký kết với Công ty TNHH De Heus (Thuộc Tập đoàn De Heus Hà Lan) – đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra có sự hợp tác của Công ty giống Bel Gà (Bỉ) và Công ty tư vấn Fresh Studio (Hà Lan).

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Nhơn, triển khai dự án này nhằm hình thành chuỗi thực phẩm sạch, an toàn, có truy xuất nguồn gốc theo dạng khép kín từ con giống đến thành phẩm, cung ứng cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu. Sản lượng dự kiến của dự án: 3 triệu gà thịt, 1 triệu gà đẻ, 1.600 heo nái và 15.000 heo thịt mỗi năm; ngoài ra còn sản xuất và cung cấp rau quả với sản lượng khoảng 900.000 tấn/năm. Tất cả sản phẩm đều đạt chuẩn GlobalGAP và truy xuất nguốn gốc. Vốn đầu tư dự án 50 triệu USD.

Có thể nói, với vai trò “bà đỡ” của các doanh nghiệp lớn cộng với sự hăng hái của các doanh nghiệp trẻ, nhiều hi vọng sẽ giúp cho việc chuyển đổi hẳn nền nông nghiệp từ lượng sang chất, trong đó, vấn đề an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc được đặt lên hàng đầu.

Minh Hải